Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu trước chính giới, học giả Đức tại Viện Körber. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, sáng 26/11 (chiều cùng ngày giờ Việt Nam), tại Viện Koerber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh châu Á – Thái Bình Dương và trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Báo Tin Tức xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Guten Tag
Cảm ơn Bà Anja Paehlke, Thành viên Ban Lãnh đạo Viện Koerber và các quý vị đã dành cho đoàn Việt Nam chúng tôi sự đón tiếp nồng hậu và mời tôi dự tọa đàm về vấn đề “An ninh châu Á - Thái Bình Dương”.
Thưa quý vị và các bạn,
1. Dù là người châu Âu hay châu Á, chúng ta đều có nhận thức chung là châu Á - Thái Bình Dương luôn có tầm quan trọng địa chiến lược trên bản đồ chính trị thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương giàu tiềm năng về kinh tế, thương mại, vốn đầu tư tài chính, tài nguyên và nguồn nhân lực, có các nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong thập niên qua, châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của xu thế liên kết kinh tế với sự hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới đa tầng nấc như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), Cộng đồng ASEAN và nhiều FTA song phương và đa phương khác. Tiềm năng và trí sáng tạo đang mở ra những vận hội mới cho các nước châu Á tiếp tục phát triển và thịnh vượng trong thế kỷ 21, mà nhiều ý kiến cho rằng đó là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương.
2. Tiềm năng to lớn, vận hội rộng mở nhưng để chuyển hóa những của cải vật chất ở dạng tiềm năng đó trở thành hiện thực, cần có môi trường và những điều kiện hết sức quan trọng – đó là hòa bình, ổn định, luật pháp và chuẩn mực quốc tế, quy tắc ứng xử, các cơ chế hợp tác, các cơ chế giải quyết tranh chấp, bất đồng…
Môi trường hòa bình, an ninh châu Á - Thái Bình Dương đã và đang chuyển biến vô cùng sâu sắc. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; các nước trong khu vực tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, mở rộng giao lưu, tăng cường đối thoại, vượt lên những khác biệt về trình độ phát triển, văn hóa, phong tục tập quán để tìm ra tiếng nói, nhận thức và hành động chung về những vấn đề hòa bình, an ninh của khu vực. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có một xu hướng đáng lo ngại làm gia tăng căng thẳng, nguy cơ xung đột và chiến tranh do các hành động thiếu trách nhiệm, không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tuân thủ các quy tắc ứng xử và luật chơi chung của khu vực, vi phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các nước khác. Những hành động đó cần phải bị lên án và cần phải có những biện pháp chế tài để ngăn chặn.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch quyền lực giữa các nước lớn, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, các hành động khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, các vấn đề an ninh phi truyền thống, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… cũng làm môi trường an ninh khu vực phức tạp hơn trước. Do đó, hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vẫn là những ưu tiên của tất cả các nước trong khu vực.
Đối với nước Việt Nam chúng tôi, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững càng có tầm quan trọng đặc biệt, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đóng góp cùng với nhân dân các nước vào củng cố hòa bình, ổn định và sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
3. Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử và trách nhiệm chúng ta không được để châu Á - Thái Bình Dương lặp lại lịch sử đau đớn của thế kỷ 20 - là “lò lửa” của các cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau; các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.
4. Trong 48 năm tồn tại và phát triển, sự hình thành Cộng đồng ASEAN (AEC) trong năm 2015 là bước phát triển hết sức quan trọng đối với các nước ASEAN và các nước trong khu vực trong tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm không thể thiếu được của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc an ninh khu vực. Cộng đồng ASEAN với quy mô hơn 600 triệu dân, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.570 tỷ USD (năm 2014) sẽ là đối tác quan trọng của các nước trên thế giới. Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước EU, giữa các nước ASEAN với Cộng hòa Liên bang Đức và mong muốn sự hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chúng tôi cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ và đóng góp tích cực của Chính phủ và nhân dân Đức vào việc củng cố hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi đánh giá cao Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) do Đức làm Chủ tịch (6/2015) và Tuyên bố của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEM (11/2015) đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của các nước EU về những diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
5. Hôm qua, tôi và Ngài Tổng thống Joachim Gauck và bà Thủ tướng Angela Merkel đã kiểm điểm lại quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi đều vui mừng về những phát triển không ngừng từ thấp đến cao, từ chiều rộng đi vào chiều sâu của quan hệ hai nước chúng ta trong 40 năm qua. Những kết quả hợp tác trong gần 5 năm thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức (năm 2011 - 2015) đã tạo cơ sở ổn định lâu dài cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sau 4 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 2 lần và đầu tư của Đức vào Việt Nam tăng 1,7 lần. Hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh… phát triển mạnh mẽ; hoạt động của Viện Goethe tại Việt Nam đã tích cực mở rộng giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân; sau 7 năm thành lập (năm 2008), trường đại học Việt - Đức đang góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Đức và cộng đồng người nói tiếng Đức ở Việt Nam đang đóng vai trò là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị Việt Nam - Đức.