1. Gần tám năm sau ngày tờ Tuần Tin tức ra đời, TTXVN xuất bản thêm tờ Tin tức buổi chiều (TTBC) - mà chúng tôi và bạn đọc gọi một cách ngắn gọn, không kém phần thân mật là Tin chiều - một kênh thông tin đến tận người dân, đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Một điểm bán báo Tin tức phát hành buổi chiều tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư Liệu |
Tin chiều ra đời vào một thời điểm trọng đại: Chỉ ít ngày trước Đại hội lần thứ 7 của Đảng khai mạc. Suốt thời gian Đại hội, mọi hoạt động của các đại biểu diễn ra trong buổi sáng đều được phản ánh kịp thời trên trang báo phát hành vào lúc 15 giờ hàng ngày. Điều đặc biệt, ngày cuối cùng của Đại hội, toàn bộ danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa 7 được đăng trên Tin chiều, bạn đọc không phải chờ đến bản tin buổi tối của phát thanh hoặc truyền hình. Cũng từ đó tờ báo gây được tiếng vang, được bạn đọc tín nhiệm và đón nhận. Đó là thử thách đầu tiên đối với tòa soạn trước một sự kiện chính trị lớn của đất nước. Cần nói thêm, đấy là sự ủng hộ và hợp tác tích cực của Ban Tin trong nước, Ban Tin thế giới và các ban khác trong TTXVN.
2. Tờ báo phát hành buổi chiều nhằm mục đích “lấp khoảng trống thông tin” từ 0 giờ đến 12 giờ. Khoảng thời gian đó, thế giới xảy ra không biết bao nhiêu sự kiện, nhất là ở các quốc gia Âu - Mỹ. Thông tin của Tin chiều đòi hỏi phải nhanh, cập nhật, nhưng phải đúng hướng. Vụ chính biến ở Liên Xô cũ xảy ra sau đó chừng hai tháng lại là một thử thách đối với chúng tôi về tính nhanh nhạy, kịp thời.
Còn nhớ hôm 19/8/1991, vào lúc 12 giờ, máy in đã chạy, những trang báo đầu tiên đã ra khỏi máy thì chúng tôi nhận được tin của phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva gửi về. Chúng tôi lập tức cho dừng máy in, thay tin, dù biết rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến các khâu tiếp theo, nhất là phát hành. Tính ra, 12 giờ, xe tăng của quân đội Liên Xô mới tràn vào thành phố cách đó vài giờ. Một lần nữa chứng tỏ sự nhanh nhạy của phóng viên ta ở Mátxcơva, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Tin thế giới đã hành động kịp thời. Suốt một tháng sau đó, cứ mỗi chiều hàng vạn bạn đọc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại chờ có trong tay tờ TTBC.
Chúng tôi quan niệm, ngoài những thông tin hàng ngày rất cần cung cấp cho bạn đọc những thông tin có tính tham khảo đa chiều. Mục “Cùng bạn tham khảo” ra đời từ đó và sống đến nay. Trong mục này chúng tôi chọn đăng một số bài của báo chí các nước về một sự kiện quốc tế nào đó, được bạn đọc hoan nghênh, cho rằng thông tin của Tin chiều không một chiều. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi. Quả nhiên như vậy.
Ngày 28/3/1996, trên Tin chiều đăng bài viết “Quan niệm của phương Tây về kinh tế thị trường”, bài viết chỉ 1/4 trang báo, phân tích một cách đơn giản về sự thiệt hơn của kinh tế kế hoạch tập trung và kinh tế thị trường. Người biên tập đã cẩn thận sửa “tít” nhấn mạnh đây là quan niệm của phương Tây để bạn đọc tham khảo. Không ngờ bài báo bị quy là “công khai tuyên chiến” với Đảng về đường lối đổi mới trong việc sử dụng nền kinh tế thị trường!
3. Trong quá khứ, có nhiều sự việc, có thể do sơ suất có thể do một nguyên nhân khách quan nào đó chưa thể nói đầy đủ, chi tiết sự việc, khoảng giữa những năm 90, một số người coi như có nhiều sự việc bị cố tình che khuất, hoặc xuyên tạc, cần trả sự thật về đúng với lịch sử. Chuyện hai chiếc xe tăng số 390 và 843 vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lại là một câu chuyện khác.
Câu chuyện bắt đầu từ bộ phim “Những người lính xe tăng 390” làm năm 1996, được giải thưởng Ngô Tất Tố của Hội Văn học -nghệ thuật Hà Nội. Bộ phim không có giá trị về nghệ thuật, nếu có thì đó là nghệ thuật làm cho người xem nhận thức sai lệch rằng, 21 năm qua những người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập đã bị lãng quên, bị cố tình che khuất, hoặc có sự tranh công nào đây. Sau khi bộ phim được công chiếu, một số tờ báo, hàng ngày có, hàng tuần có, tạp chí hàng tháng chuyên đề về lịch sử có, chuyên đề về điện ảnh có, đăng những bài viết mang đầy tính kích động như “sau 21 năm im lặng”, “sự thật đã được trả lại nguyên vẹn tính lịch sử”, “những chiến sĩ xe tăng bị lãng quên”, “bộ phim dũng cảm xác định, đính chính lại”, “công đầu thuộc về ê kíp làm phim”, “mừng cho các anh bước đầu đã được công luận biết đến”…
Hai anh Hoàng Vũ, Anh Tuấn, công tác ở Bảo tàng Quân đội, có thể đã nhận rõ sức lan tỏa của báo TTBC, đã đến gặp và đưa cho tôi một bức thư dài 5 trang, tỏ ra bức xúc, với những sự thật bị bóp méo trong bộ phim và lời lẽ của các tác giả những bài báo, cùng bản tham luận viết tay mà các anh định phát biểu trong hội thảo của Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp (hội thảo này sau đó không diễn ra). Trên cơ sở của bức thư và bản tham luận, cộng với những tài liệu khác, tôi biên tập lại thành một bài viết chỉ rõ những chỗ bộ phim cố tình làm méo mó, đưa ra bằng chứng về hai chiếc xe tăng cùng các chiến sĩ trên xe đã được nhiều lần nói đến một cách chính xác từ năm 1975 và dịp kỉ niệm 10 giải phóng miền Nam. Không một sự việc nào bị sai lệch, không một sự kiện nào bị che lấp. Bài viết có tựa đề “Không một ai bị lãng quên” đăng trên báo Tin tức buổi chiều số kỉ niệm 30/4/1997, góp phần đính chính lại những thông tin sai, tạo dư luận không hay trong xã hội.
4. Làm báo luôn có những kỉ niệm vui buồn lí thú.
Một buổi chiều, có tiếng chuông điện thoại. Một nữ nhân viên của tòa soạn vừa nhắc máy lên, người đầu kia đường dây nói ngay: “Chị bảo với TTX từ nay đừng đến xin phép xây dựng nữa nhé!”. Nói xong, lập tức cúp máy. Có thể lời nhắn ấy có liên quan đến những tin, bài của phân xã Hà Nội nói về việc xây dựng lộn xộn và xâm phạm đê Yên Phụ chăng?
Sau khi đăng bài “Ra đường sợ nhất taxi” thì ông giám đốc một hãng taxi (thời ấy Hà Nội chưa nhiều taxi như bây giờ) đến truy hỏi ai đã cung cấp thông tin về tình trạng taxi của ông ta - tuy bài viết không chỉ đích danh - chạy ẩu, phạm luật. Không nhận được câu trả lời, trước khi ra về ông còn nói thêm một câu đầy vẻ bực tức: “Các anh sẽ phải ra tòa trả lời.” Chờ mãi mà vẫn không thấy trát gọi của tòa.
Một buổi chiều, hàng chục người tự nhận là cán bộ, công nhân viên một công ty nhập khẩu thuốc kháng sinh dùng cho gia súc “biểu tình” trước số 5 Lý Thường Kiệt, đòi Tin chiều cải chính công ty này không tuồn kháng sinh gia súc vào các cửa hàng tân dược. Sự việc sau đó kết thúc bằng bản giải trình của bà giám đốc công ty, thừa nhận có bán cho hai công ty dược loại kháng sinh “phù hợp tiêu chuẩn dược điển Anh”, có thể dùng cho người, tuy không nhận thuốc đã “tuồn” vào cửa hàng dược phẩm hay không.
Thật nhiều chuyện, xét ra chuyện nào cũng lý thú.
Lê Sơn