"Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi về những vấn đề chiến lược giữa hai quốc gia, những vấn đề lớn của khu vực và thế giới. Qua nội dung mà lãnh đạo hai bên đề cập, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama, hai bên có quan điểm rất rõ, thẳng thắn trao đổi với nhau về lợi ích thiết thực mà hai bên có thể hợp tác để cùng phát triển đất nước mình...". Các thành viên chính thức tham gia Đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 5-10/7), đã chia sẻ về kết quả chuyến thăm.
Phối hợp chặt chẽ để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPPLiên quan đến việc thúc đẩy Hiệp định TPP và triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết:
Tối 8/7 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Washington D.C, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự buổi tọa đàm với doanh nghiệp Hoa Kỳ, do Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
“Nội dung liên quan đến đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những chủ đề được đề cập nhiều trong các cuộc gặp với Tổng thống Obama, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp. Vì ý nghĩa quan trọng của Hiệp định, trên tinh thần thẳng thắn xây dựng, hiểu biết lẫn nhau.
Trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, để sớm kết thúc Hiệp định TPP và thực hiện các cải cách đáp ứng yêu cầu cao và tính chất toàn diện của TPP, kể cả sử dụng những biện pháp cần thiết để đáp ứng cam kết theo tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tuyên bố năm 1998 về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc, làm thế nào để hai bên có thể có được một hiệp định chất lượng cao, cân bằng lợi ích, đóng góp vào quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, cũng như tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trong khu vực.
Với Hiệp định này được ký kết, cũng như những nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Việt Nam đã trao đổi với Hoa Kỳ, sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác hai nước phát triển với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn.
Hoa Kỳ rất kỳ vọng sau chuyến thăm này, Việt Nam sẽ có nhiều biện pháp khuyến khích thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Ngược lại, ta cũng trao đổi thẳng thắn với phía bạn về những đề nghị, yêu cầu của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, xem xét tạo thuận lợi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong những lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh.”
Hợp tác quốc phòng đóng góp tích cực cho quan hệ toàn diện Việt Nam – Hoa KỳVề quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ:
“Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi về những vấn đề chiến lược giữa hai quốc gia, những vấn đề lớn của khu vực và thế giới. Qua nội dung mà lãnh đạo hai bên đề cập, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama, hai bên có quan điểm rất rõ, thẳng thắn trao đổi với nhau về lợi ích thiết thực mà hai bên có thể hợp tác để cùng phát triển đất nước mình, đồng thời cũng trao đổi một cách hết sức thẳng thắn về những vấn đề còn khác biệt.
Hai bên đã thống nhất một điểm rất quan trọng là gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Nó phản ánh xu thế chung của thời đại, chứ không chỉ là mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tôi tin rằng, sau chuyến thăm này, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có những bước chuyển mới hết sức quan trọng, đem lại hòa bình, ổn định, phát triển cho mỗi nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như nội dung hội đàm của hai vị nguyên thủ, thì nhắc tương đối sâu về mối quan hệ quốc phòng, khẳng định lại việc sẽ thực hiện một cách đầy đủ bản ghi nhớ quốc phòng năm 2011, cũng như tầm nhìn chiến lược quốc phòng năm 2015 mà hai Bộ trưởng Quốc phòng ký vào tháng 6 vừa qua tại Hà Nội.
Quan hệ quốc phòng thực sự có đóng góp trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, nhất là xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, còn tìm kiếm các nội dung, lĩnh vực có thể hợp tác, đem lại lợi ích quốc phòng cho mỗi nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, như là hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống..., đóng góp tích cực cho mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi đã thống nhất được với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cũng như cơ quan chiến lược của Liên hợp quốc là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là lĩnh vực mới mà chúng ta mới bắt đầu, trong khi Hoa Kỳ lại có nhiều kinh nghiệm, cũng như nguồn lực.
Sự hợp tác này rất có lợi cho chúng ta để có những đóng góp tích cực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc.”
Lòng người sẽ hướng về - đấy là đại đoàn kết Tham gia suốt hành trình hoạt động trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tới Hoa Kỳ, Nhà văn Chu Lai đã chia sẻ những cảm nhận đẹp đẽ về tình đoàn kết:
Tối 9/7 theo giờ địa phương, tại thành phố New York, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt và lưu học sinh tại Hoa Kỳ. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
“Tôi cho rằng bài nói chuyện của Tổng Bí thư với bà con Việt kiều, đại diện lãnh đạo các tôn giáo, các tầng lớp xã hội hai nước trong chuyến thăm, đi vào lòng người theo kiểu dân gian.
Tổng Bí thư Đảng ta đến với bà con Việt kiều, các tầng lớp xã hội hai nước bằng trái tim. Trái tim có cách thể hiện của tiếng động trái tim: Thì thầm, khe khẽ, nhẹ nhàng, thấm sâu. Ông lại có rất nhiều vốn cổ về thổ ngữ, dân gian, thành ra nó chinh phục tình cảm của bà con ghê lắm, ngấm sâu vào trái tim của bà con Việt kiều.
Hôm đó, ngồi ở dưới, tôi thấy tất cả bà con đều lắng nghe như lắng nghe những âm hồn của dân tộc vọng từ Việt Nam sang Washington, sang New York, đi thẳng vào lòng người mà không qua tầng lý trí nào. Ở đây vấn đề không phải chỉ là hệ ngôn ngữ, là trạng thái tâm hồn của Tổng Bí thư, mà là âm hồn Việt Nam, lịch sử Việt Nam, vị thế Việt Nam đã bắt đầu vượt sóng trùng khơi để vào với trái tim bà con Việt kiều.
Tôi cho rằng điều đó là bền bỉ, thủy chung nhất, chứ không phải những tiếng hoan hô tức thời, những nụ cười mong manh, mà rõ ràng từ trong chiều sâu, trong mắt của bà con Việt kiều có độ rung đằm thắm vô cùng, hứa hẹn một trang kỷ gặp nhau và lòng người sẽ hướng về. Đấy gọi là đại đoàn kết.”
Thông điệp rõ ràng về đời sống tự do tôn giáo ở Việt NamChia sẻ về những ấn tượng trong chuyến thăm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: "Đặc biệt là cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ, Tổng Bí thư trả lời chân tình, trí tuệ, đưa ra thông điệp về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam rất rõ ràng, khẳng định ngay từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam đã đề cập quyền tự do tôn giáo của mỗi công dân; phản ánh đời sống tôn giáo rất cụ thể qua số lượng tín đồ đạo Tin lành phát triển ở Việt Nam không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn, miền núi.
Các mục sư của Mỹ rất phấn khởi khi biết những thông tin rất cụ thể, thể hiện đời sống tôn giáo ở Việt Nam, thể hiện qua thành phần đoàn có đại diện các tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Tin lành,... thể hiện hòa hợp. Một số mục sư đã đến Việt Nam và có dự án trao đổi, hợp tác, qua đó họ thấy đời sống tôn giáo ở Việt Nam không như thông tin phản ánh trên một số trang mạng hay một số báo chí.
Và Tổng Bí thư cũng đã khẳng định rất rõ ràng, những trường hợp thông tin mạng hay một số báo chí phản ánh, không liên quan đến tôn giáo, mà là liên quan đến dân sự, vi phạm pháp luật. Mỹ là một xã hội tôn trọng pháp luật, Việt Nam cũng vậy, bất cứ ai cho dù tôn giáo nào, vi phạm pháp luật đều phải chịu xử phạt theo pháp luật. Do vậy mọi người đều tin tưởng, phấn khởi về đời sống tôn giáo ở Việt Nam...”.