Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Từ 3% nữ đại biểu ở Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII, con số này đã tăng lên 24,4%. Tỷ lệ nữ tại HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62, cấp xã là 21,71%.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Lê Thị Yến. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn bị hạn chế khi tham gia các cơ quan dân cử: “Sự hạn chế này không hẳn do phụ nữ không đủ năng lực, mà do các yêu tố thuộc về nhận thức giới. Để khắc phục hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức, hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy tích cực phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị”.
Cùng quan điểm này, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, để phấn đấu có trên 35% đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ, đồng thời nâng cao vai trò của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, hướng tới bầu cử Quộc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị ở các tỉnh, phụ nữ tham gia trong cấp ủy sau Đại hội Đảng bộ các cấp, khả năng đạt được chỉ tiêu phụ nữ tham gia trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.