Thủ tướng: Phú Yên cần 'hòa vào dòng chảy cải cách của cả nước'

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2018 với chủ đề “Phú Yên - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra sáng 19/1 tại thành phố Tuy Hòa với sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tới dự sự kiện xúc tiến đầu tư “mở màn” năm 2018 trên cả nước và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Phú Yên tiếp tục xác định chủ trương đưa du lịch thực sự trở thành động lực phát triển của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường liên doanh, liên kết với các địa phương trong, ngoài nước.

Điểm đến đầu tư hấp dẫn của công nghiệp - dịch vụ

Là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Phú Yên có vị trí địa lý chiến lược và thuận lợi, có hệ thống giao thông đường bộ nằm trên trục quốc gia Bắc-Nam, đường sắt, đường hàng không, đường biển, nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú để phát triển các ngành kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và chế biến nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo….

Để “níu chân” các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, tạo nhiều thuận lợi nhất để nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, giai đoạn 2011-2017, Phú Yên tiếp nhận 284 dự án đầu tư (trong đó có 19 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 4.744 triệu USD và 28.671 tỉ đồng.

Năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực về loại hình du lịch sinh thái biển đảo; du lịch văn hóa, lịch sử; hình thành các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Phú Yên. Tỉnh phát triển nhanh, đồng bộ các loại hình dịch vụ, trong đó tập trung vào các ngành chủ yếu như tài chính, vận tải và logistic, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin… ; phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản. Tỉnh tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản; thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh tập trung có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghệ sau thu hoạch và công nghiệp chế biến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh phương châm của tỉnh là: “Các nhà đầu tư ở Phú Yên là công dân của Phú Yên. Thành công của doanh nghiệp, của nhà đầu tư chính là thành công của Phú Yên”.

Tại hội nghị này, UBND tỉnh công bố 17 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 12.400 tỉ đồng; đồng thời trao thông báo tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư tại Phú Yên cho một số nhà đầu tư... Đây là những dự án có quy mô lớn, có tính động lực đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thương mại… cho tỉnh Phú Yên, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Sớm đón "ánh bình minh” của sự phát triển và thịnh vượng

Thay mặt Chính phủ, hoan nghênh các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó có nhiều “sếu lớn” đã đến với Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái lược về những thành tựu quan trọng, kỳ tích của kinh tế Việt Nam năm 2017 được cộng đồng quốc tế ghi nhận; khẳng định vị thế, sức tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế đất nước với một môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.

Nhấn mạnh đến lợi thế, tiềm năng của xứ “hoa vàng, cỏ xanh” với vẻ đẹp bất tận, một lợi thế so sánh đặc biệt của vùng đất đón bình minh đầu tiên trên đất nước Việt Nam (Mũi Đại Lãnh) cùng với sự năng động của chính quyền địa phương, Thủ tướng khẳng định Phú Yên hoàn toàn có thể sớm đón "ánh bình minh” của sự phát triển và thịnh vượng.

Đánh giá cao những nỗ lực của Phú Yên trong phát triển kinh tế, hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư với sức hấp dẫn mới, Thủ tướng mong muốn, những cơ sở ban đầu này cùng với sự chăm chỉ, cần cù của người dân, truyền thống một địa phương Anh hùng, Phú Yên chắc chắn sẽ phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu lọt vào tỉnh nhóm đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị Phú Yên đổi mới mạnh mẽ tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Cả hệ thống chính trị phải đồng sức, đồng lòng, chung lưng, đấu cật cùng nhau giải quyết các khó khăn, thách thức, cùng nhau đón bắt các cơ hội, lấy lợi ích kinh tế làm trọng, lợi ích của người dân làm đại cục.

“Cờ đã đến tay lãnh đạo tỉnh Phú Yên, hãy phất cờ lên”, Thủ tướng đề nghị.

Cùng với đó, tỉnh phải hoàn thiện cơ chế chính sách, đảm bảo thông thoáng, ổn định, minh bạch, bình đẳng cạnh tranh trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, chú trọng khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ và thanh niên nông thôn; phát triển doanh nghiệp trong tỉnh bên cạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Hòa vào dòng chảy cải cách của cả nước

Thủ tướng mong muốn Phú Yên cần “hòa vào dòng chảy cải cách của cả nước”, không chấp nhận tình trạng “da báo” trong cải cách hành chính. Tận dụng thành tựu cách mạng công nghệ số, công nghệ 4.0 trong quản lý hành chính, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, đưa chính quyền đến gần người dân, doanh nghiệp hơn, xóa bỏ tính quan liêu.

Tỉnh phải có cơ chế tiếp nhận, giải quyết nhanh vướng mắc, những rào cản đầu tư mà doanh nghiệp gặp phải. Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh PCI, hiệu quả quản trị hành chính công VAPI, trở thành đối tác có năng lực và thực sự tin cậy của nhà đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp nhận Quyết định của Ủy ban tỉnh Phú Yên về chủ trương đầu tư vào tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong xây dựng quy hoạch và thiết kế chính sách, Thủ tướng lưu ý địa phương cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải đảm bảo tính linh hoạt và uyển chuyển, không cứng nhắc. Công tác quy hoạch phải dựa trên ý tưởng của những nhà phát triển chuyên nghiệp cùng với sự tham gia ý kiến rộng rãi và phản biện của người dân cũng như các bên có quyền lợi liên quan, tránh dựa trên ý chí chủ quan, tùy tiện hay sự chi phối của các nhà tài trợ, hay nhóm nhỏ nào đó.

Thủ tướng gợi ý Phú Yên tăng cường và chủ động liên kết hợp tác vùng, nhất là với Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk - những địa phương bổ sung lợi thế cho Phú Yên. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư và vận dụng sáng tạo hơn các hình thức đầu tư, tập trung thu hút các “con sếu đầu đàn” để đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế; thu hút công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao vào Phú Yên và kiên quyết thu hồi các tài nguyên đã giao cho các nhà đầu tư kém năng lực để tái phân bổ lại cho các nhà đầu tư có khả năng, không để nguồn lực bị lãng phí.

Cho rằng Phú Yên là “thủ đô của cá ngừ đại dương” nhưng chưa thành công trong lĩnh vực này, Thủ tướng mong muốn tỉnh tiếp tục phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế hàng hóa lớn; hỗ trợ người dân bám biển, ngăn chặn khai thác trái phép, không khai báo.

Chuyển hóa tiềm năng lợi thế

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hãy bằng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm để chuyển hóa tiềm năng lợi thế của Phú Yên thành giá trị, công trình cụ thể, tạo động lực cho Phú Yên, góp phần phát triển đất nước. Trong quá trình đó, cần chú ý giữ gìn môi trường, bảo vệ văn hóa truyền thống của địa phương.

Bên cạnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các “đại bàng, các sếu lớn” hãy đến “làm tổ” ở Phú Yên vì “nơi đây thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã xuất hiện”. “Chính phủ cam kết tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhà đầu tư”, Thủ tướng khẳng định.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ khởi công dự án cầu Đà Rằng - cầu Sông Chùa. Đây là niềm mong mỏi của người dân, chính quyền địa phương trước cảnh cầu cũ xuống cấp, quá tải, góp phần xóa “điểm nghẽn” lưu thông ngay cửa ngõ phía Nam thành phố Tuy Hòa, mở rộng không gian đô thị Phú Yên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Việc xây dựng cầu Đà Rằng mới có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tuy Hòa. Dự án có tổng chiều dài gần 1,6km, điểm đầu tại phía Bắc cầu Đà Rằng cũ, tiếp nối Quốc lộ 1 cũ tại lý trình Km 1333+008; điểm cuối phía Nam cầu Đà Rằng cũ, tiếp nối Quốc lộ 1 cũ tại lý trình Km 1335+903,66.

Phần cầu có chiều dài gần 1,2km, được thiết kế vĩnh cửu, rộng 10,5m, bao gồm 2 làn xe cơ giới, dải phân cách, lề đi bộ. Phần đường theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, có quy mô mặt cắt ngang phù hợp với bề rộng cầu.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng từ nguồn vốn dư Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư.

Quang Vũ - Thế Lập
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN