Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV cũng đang tiến hành xem xét, thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2018 của đất nước và chuẩn bị bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cũng do đó, tại phiên họp lần này, nội dung kinh tế - xã hội được ưu tiên thảo luận ngay tại buổi làm việc đầu tiên thay vì công tác xây dựng thể chế như thường lệ.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành
viên Chính phủ chuẩn bị tốt các văn bản báo cáo, giải trình, đặc biệt là
phục vụ tốt các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5,
Quốc hội Khóa XIV.
Đánh giá tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm
2018, Thủ tướng cho rằng, nhìn chung, các ngành, lĩnh vực tiếp tục diễn
biễn tích cực, kinh tế - xã hội cơ bản tiến triển tốt.
Theo Thủ
tướng, các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam.
Chỉ số mua hàng PMI tháng 5 của Việt Nam tăng lên 53,9 điểm, cao nhất
trong khối các nước ASEAN. Một số mặt nổi trội khác như: Sản xuất nông
nghiệp phát triển tốt. Vụ Đông Xuân năm nay được mùa, sản lượng thóc
tăng thêm 1,1 triệu tấn, giá cả thuận lợi, người nông dân trồng lúa có
lợi nhuận tốt, nhiều vùng đạt từ 30 - 50%. Nhờ đó, xuất khẩu gạo đạt tốt
hơn năm ngoái. Chăn nuôi gia súc gia cầm, sản lượng thủy sản đều tăng,
giá thịt lợn phục hồi. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt
nhiều khởi sắc, không có dịch bệnh phát sinh.
Cùng với đó, sản
xuất công nghiệp cả nước tăng 9,7% trong 5 tháng đầu năm; trong đó, công
nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh hơn (11%).
Chính phủ đánh giá
cao các địa phương trọng điểm đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực cho
phát triển. “Có một không khí thi đua để tăng trưởng”, Thủ tướng nói và
biểu dương những địa phương đạt mức tăng trưởng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nhận xét tình hình thương mại, dịch vụ, Thủ tướng đánh giá, sức cầu trong nước phát triển mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,7 triệu lượt, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu 5 tháng đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, tăng gần 9%.
Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển tích cực với gần 53 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng.
Đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế -
xã hội đất nước, Thủ tướng đề nghị các vị “tư lệnh ngành” báo cáo trực
tiếp vào các vấn đề còn tồn tại để bàn các giải pháp tháo gỡ.
Thủ
tướng nhấn mạnh yêu cầu không chủ quan trong điều hành để đảm bảo kiểm
soát tốt chỉ số giá tiêu dùng bởi sự biến động rất nhanh của kinh tế thế
giới. Thủ tướng yêu cầu cần tính toán các giải pháp kiềm chế lạm phát
dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra đối với mọi cấp, mọi ngành. Để đảm
bảo mục tiêu khó khăn này, Thủ tướng chỉ thị không tăng giá điện trong
năm nay. Chỉ điều chỉnh giá giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép vào
thời điểm phù hợp. Cùng với đó, tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, điều
tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp không để sức ép tăng
giá lớn.
Thủ tướng nhắc lại việc đảm bảo mục tiêu ổn định kinh
tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4% là việc không đơn giản trong bối
cảnh giá dầu thế giới tăng nhanh. Thủ tướng cảnh báo sự chủ quan một số
địa phương sẽ có thể dẫn đến tình hình phức tạp.
Một vấn đề
khác, vẫn thường xuyên là tồn tại cần khắc phục trong quản lý, điều hành
thời gian gần đây là tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, 5
tháng 2018 mới đạt gần 29% kế hoạch đề ra; trong đó không chỉ các bộ,
ngành mà cả các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đạt
thấp.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm
đưa công trình vào hoạt động”, Thủ tướng phân tích và yêu cầu cần có
những giải pháp thẳng thắn, mạnh mẽ, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và báo
cáo, giải trình trước Quốc hội.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục
thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng với đầu tư trong nước; đẩy
mạnh hơn nữa chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo bởi
thời gian qua, có một số địa phương chỉ số này giảm.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cho rằng sản xuất nông nghiệp mặc dù có những khởi sắc nhưng vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, Thủ tướng chỉ rõ mặc dù sản xuất nông sản số lượng lớn nhưng vẫn xuất khẩu tiểu ngạch cao. Ngoài ra, vấn đề khai thác rừng, lâm tặc vẫn tái diễn ở một số địa phương như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bắc Kạn... Vấn đề quản lý hồ đập, đê điều để chủ động trước mùa mưa bão và những vấn đề an toàn xã hội, an toàn giao thông, nhất giao thông đường sắt cũng có những diễn biến phức tạp.
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ rõ, nhiều bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng vẫn là hình thức, thực chất vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp. "Chúng ta cần tạo môi trường đầu tư tốt hơn để đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào 2020", Thủ tướng chỉ đạo.