Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia, Ngài Robert Fico tại Lễ đón chính thức ngày 18/7. Ảnh:Thống Nhất/TTXVN |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Robert Fico đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Slovakia; gặp gỡ Hội Hữu nghị Việt Nam - Slovakia; thăm thành phố Đà Nẵng. Đoàn Thủ tướng Slovakia đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Robert Fico đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực vận tải, thông tin và truyền thông, đầu tư và giáo dục và có cuộc gặp gỡ báo chí.
Các cuộc gặp gỡ song phương đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và những ưu tiên trong chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại của mỗi nước, trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai Bên nhất trí tiếp tục quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt cho Khóa họp lần thứ 2 của Ủy ban dự kiến sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2017 tại Bratislava, Slovakia; thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, luật pháp, khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Slovakia với tư cách là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của ASEAN, sẵn sàng hỗ trợ Slovakia tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hợp tác ứng phó về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước, trong đó có hợp tác quản lý nguồn nước Mekong - Danube; cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại Liên hợp quốc và Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), xem xét ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế.
Hai bên cam kết duy trì hòa bình, thúc đẩy an ninh hàng hải, tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông. Hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.