Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 2 của Nghị quyết về Mục tiêu cụ thể với số phiếu tán thành cao.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của ngân sách địa phương gắn với nâng cao và cá thể hóa trách nhiệm...
Nghị quyết đặt ra những mục tiêu cụ thể: Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó: bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Báo cáo tiếp thu, giải trình về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho thấy, về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo rõ hơn việc thất thu ngân sách nhà nước còn lớn; nợ đọng thuế còn cao, trung bình hơn 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, Báo cáo nêu rõ: Luật Quản lý thuế đã được quy định theo hướng nâng cao quyền chủ động của các tổ chức, cá nhân trong việc tự tính, tự khai, tự nộp thuế vào ngân sách nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện “hậu kiểm” trên cơ sở phân tích, đánh giá theo tiêu chí rủi ro. Phần lớn người nộp thuế đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật thuế, có ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn cao và chưa được cải thiện, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hằng năm đã phát hiện và kiến nghị truy thu vào ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, vẫn còn tình trạng lợi dụng chuyển giá, trốn thuế của một bộ phận người nộp thuế ngày càng tinh vi, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thời gian tới bên cạnh việc sửa đổi bổ sung các luật về chính sách thuế, cần đẩy mạnh công tác quản lý thuế để khai thác các dư địa thu, hoàn chỉnh các quy định hướng dẫn đối với thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số, các hoạt động chuyển giá, để nâng cao hiệu quả công tác thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, khắc phục những kẽ hở của chính sách; chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát...
Về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 -2025, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, cần có giải pháp quyết liệt giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống 60%, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển lên 29% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiếp thu, giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong cơ cấu chi thường xuyên hiện nay, tỷ trọng chi tiền lương, chi cho con người chiếm khoảng 61-62%. Trong dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương, các khoản chi được ưu tiên bao gồm: chi quốc phòng, an ninh, chi lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Do vậy, việc phấn đấu giảm thêm chi thường xuyên chỉ có thể tập trung ở lĩnh vực chi quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Việc cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân đối ngân sách nhà nước tích cực hơn nữa, tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 29%, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi ngân sách nhà nước.