Ngày 25/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa phiên họp.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua và thảo luận về các nội dung:
1. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thi hành án dân sự. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các điều 1, 44, 170 và toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
2. Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Trong buổi làm việc, đã có 14 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự; làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, bố cục và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật; sự thống nhất của Bộ luật Dân sự với các luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; rà soát, cân nhắc việc sử dụng các thuật ngữ mới;
- Chế định pháp nhân và phân loại pháp nhân; vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay khi giao dịch dân sự vô hiệu;
- Vấn đề tài sản và quyền sở hữu: làm rõ các loại bất động sản và tài sản phải đăng ký sở hữu; làm rõ quyền và nghĩa vụ của từng thành viên trong hộ gia đình, hợp tác xã trong các giao dịch về tài sản; xác định các hình thức sở hữu, nội dung của quyền sở hữu, chủ thể của quan hệ sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký;
- Về thừa kế: Xem xét các thời hiệu chia thừa kế, thời hiệu khởi kiện về thừa kế; điều chỉnh ưu tiên thanh toán cho việc bảo quản di sản thừa kế;
- Bổ sung các quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư, bí mật cá nhân;
- Về hợp đồng: Cụ thể hóa vấn đề bảo đảm bằng tín chấp, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm của các bên cầm cố, thế chấp khi cầm cố, thế chấp tài sản; bổ sung một số hợp đồng dân sự phát sinh trong thực tiễn, chưa được điều chỉnh; rà soát các quy định về hợp đồng vay (trong đó cân nhắc vấn đề lãi suất cơ bản), hợp đồng vay không kỳ hạn, hợp đồng thuê tài sản…
Buổi chiều: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi):
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Quốc hội biểu quyết thông qua các điều 12, 32, 159 và toàn văn Luật Nhà ở (sửa đổi).
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội biểu quyết thông qua và thảo luận về các nội dung:
4. Biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi):
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các điều 5, 10, 55 và toàn văn Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
5. Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi):
Trong buổi làm việc, đã có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Xem xét bổ sung Luật Về thu chi ngân sách Nhà nước hàng năm thay thế cho nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; sửa tên Luật này thành Luật quản lý ngân sách nhà nước; rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa Luật này với các Luật có liên quan, nhất là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;
- Xác định rõ phạm vi thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước: Bổ sung khoản thu từ xổ số kiến thiết, vay nợ, chi trả nợ trái phiếu Chính phủ…; kiểm soát chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài ngân sách; quy định cụ thể vấn đề phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước giữa trung ương và địa phương; thẩm quyền quyết định ngân sách Nhà nước; làm rõ vấn đề sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi; thưởng vượt thu đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; dự phòng ngân sách Nhà nước;
- Quy trình ngân sách Nhà nước và lịch biểu tài chính: Quốc hội nên xem xét, quyết định ngân sách Nhà nước tại hai giai đoạn (kỳ họp giữa năm và kỳ họp cuối năm); kế hoạch tài chính trung và dài hạn; quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ;
- Tăng cường kỷ luật tài chính và công khai, minh bạch ngân sách; tạo điều kiện để cộng đồng giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước;…
Thứ tư, ngày 26/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận về Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); buổi chiều, biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và thảo luận về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
TTXVN/Tin Tức