Thông cáo báo chí số 17, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ Hai, ngày 16/11/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 10, Đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này, kết quả như sau:

- Về Điều 1 - Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh: Có 431 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,42% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 421 đại biểu tán thành (bằng 87,34% tổng số đại biểu Quốc hội); 6 đại biểu không tán thành (bằng 1,24% tổng số đại biểu Quốc hội); 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83% tổng số đại biểu Quốc hội);

- Về toàn bộ dự thảo Nghị quyết: Có 428 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88,80% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 420 đại biểu tán thành (bằng 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội); 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,04% tổng số đại biểu Quốc hội); 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến và 4 đại biểu tranh luận. Các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề sau: việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ thành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và thời điểm thông qua Luật; trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; về giải thích từ ngữ; về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; về hoạt động vận tải đường bộ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; kinh doanh vận tải đường bộ; xử lý tai nạn giao thông đường bộ; chính sách của nhà nước về phát triển giao thông đường bộ; phí sử dụng đường cao tốc... Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ:

Thứ nhất, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, an toàn và hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nội dung dự án Luật liên quan đến dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào phiên họp chiều 16/11. Hai Luật này tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Để phân định được phạm vi điều chỉnh, cần tiếp tục rà soát để tránh các quy định bị chồng chéo, trùng lặp. Nhiều ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị phải đánh giá kỹ, làm rõ sự cần thiết có nên tách thành hai Luật hay không? Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đại biểu cho rằng việc tách hai Luật là không phù hợp. Có ý kiến đại biểu phát biểu thể hiện sự đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. 

Thứ ba, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi, nhất là các quy định liên quan đến kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối; công tác quy hoạch hệ thống giao thông, bảo trì công trình. Việc huy động ngân sách, nguồn lực phát triển giao thông đường bộ, các quy định về phương tiện giao thông, dịch vụ giao thông cần bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiệm cận với quốc tế. Đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến những vấn đề sau: về đăng kiểm, quản lý chất lượng công trình, phương tiện; việc thu phí, quản lý dịch vụ vận chuyển, sử dụng công nghệ quản lý thị trường vận tải, hoạt động kinh doanh vận tải, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong việc quản lý, điều hành giao thông vận tải đường bộ; các quy định về quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đảm bảo không phát sinh giấy phép con, thủ tục mới, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm rõ về tính hợp lý của quy định về chuyển thẩm quyền quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ngoài ra, các đại biểu tập trung cho ý kiến về tên điều và nhiều nội dung của các điều khoản cụ thể trong dự án Luật. Theo chương trình xây dựng Luật, dự án Luật này sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, qua quá trình thảo luận cho thấy, dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp thứ 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội về dự án Luật này; đồng thời, sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Buổi chiều

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, kết quả như sau: Có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,29% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 440 đại biểu tán thành (bằng 91,29% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề sau: sự cần thiết ban hành Luật; thời điểm trình Quốc hội thông qua Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ:

Thứ nhất, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ là vấn đề quan trọng và lĩnh vực được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, đòi hỏi phải có các quy định mang tính tổng thể, đầy đủ và chặt chẽ để điều chỉnh các vấn đề đặt ra từ thực tế quản lý hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, về vấn đề tách hay không tách Luật, một số ý kiến đại biểu tán thành với việc ban hành Luật, cho rằng cần thiết phải có một dự án Luật chuyên biệt về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời rà soát để tránh trùng lặp với Luật Giao thông đường bộ. Tại Kết luận phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đồng ý bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần cân nhắc kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Do đó, vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định.

Thứ ba, về vấn đề quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Đây là vấn đề đang có ý kiến khác nhau. Bản chất của vấn đề này là xác định Bộ nào sẽ quản lý nội dung này. Việc phân công Bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cần tổng kết, đánh giá khách quan, kỹ lưỡng trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm nước ngoài; xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Thứ tư, về một số nội dung cụ thể khác, các ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ các quy định có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 dự án Luật. Cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định về quy tắc giao thông, người điều khiển và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức chỉ huy, giảm ùn tắc, xử lý tai nạn giao thông, đánh giá số liệu tai nạn giao thông… Dự án Luật có nhiều điểm mới (phân hạng giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe, tính điểm bằng lái, phạt nguội,…) liên quan trực tiếp đến người dân, người tham gia giao thông, được dư luận quan tâm, do đó cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính khả thi, thống nhất. Các quy định về thủ tục hành chính, đề nghị rà soát kỹ bảo đảm đơn giản cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu đã góp ý trực tiếp vào tên luật và nhiều nội dung của các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Thứ năm, có ý kiến đại biểu cho rằng Quốc hội làm chưa đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đã thực hiện đúng quy trình, thẩm quyền, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, đề nghị đại biểu gửi văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trả lời.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận hội trường và thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của hai dự án Luật và báo cáo Quốc hội.

Thứ ba, ngày 17/11/2020: Buổi sáng, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp (phiên bế mạc được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp).

TTXVN/Báo Tin tức
Xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ
Xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN