Tập trung xử lý tình trạng 'tham nhũng vặt', gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Chiều 5/9, tại phiên họp thứ 11 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, các đại biểu quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (“tham nhũng vặt”) chưa được giải quyết hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.

Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng còn bị xem nhẹ

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày đánh giá việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng đưa ra xét xử thời gian qua…

Dựa trên số liệu trong báo cáo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Thanh tra Chính phủ cung cấp thêm số liệu ngoài 29 trường hợp người đứng đầu thuộc 16 địa phương trong cả nước bị xử lý, còn bao nhiêu trường hợp xảy ra việc tham nhũng và bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự nhưng người đứng đầu không bị xử lý?

Trong các trường hợp không bị xử lý này, có phải là do người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng nhưng việc tham nhũng vẫn xảy ra là nằm ngoài trách nhiệm của người đứng đầu nên không bị xử lý hay không?...

Thành viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn ít trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng đề cao vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với người đứng đầu khi để tham nhũng xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý.

"Tham nhũng vặt" chưa được ngăn chặn có hiệu quả

Báo cáo của Chính phủ nhận định: "Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả". Đồng tình với nhận định này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đưa ra nhận xét: vẫn còn tình trạng ngưòi dân, doanh nghiệp có tâm lý cần phải đưa hối lộ để được thuận lợi trong giải quyết công việc, giành lợi thế trong kinh doanh.

Kết quả đánh giá của PAPI (Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) 2017 cho thấy: 17% số người được hỏi phải “lót tay” khi làm Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất. 9% số người được hỏi đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện tuyến huyện... Tuy có giảm so với năm 2016 nhưng mức tiền phải đưa tăng (trung bình là 27,5 triệu, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2016).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng "vì sự tắc trách và trì hoãn, cứ nộp hồ sơ lên chờ không thấy nói câu nào, chỉ hứa hẹn. Vì trì hoãn như thế, người dân phải móc phong bì ra chạy, hoặc thông qua dịch vụ. Như xin cấp hộ chiếu rất lâu, nhưng đưa tiền chạy chỉ cần 2 ngày".

Đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp tránh tình trạng "ngâm tôm", tắc trách, trì hoãn hoặc làm đi làm lại nhiều lần, để người dân cứ phải phụ thuộc vào cán bộ công chức đó; cần kiểm soát quy trình của tất cả các dịch vụ công. Cán bộ công chức nào để xảy ra tình trạng ách tắc như vậy thì phải kỷ luật cán bộ đó - đại biểu kiến nghị.

Nhiều ý kiến khác cho rằng hiện tượng gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn rất nhiều, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, cần phải có những biện pháp thiết thực, mạnh tay hơn nữa.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ xác định tập trung thực hiện trong năm 2019: "Tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng."

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được tiến hành bài bản, đồng bộ và quyết liệt hơn so với năm 2017. Trong đó, chú trọng cả công tác phòng và chống, đặc biệt, công tác chống tham nhũng thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ nét hơn so với năm trước; xử lý thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn những năm trước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu ra thực tế tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Đặt câu hỏi: Tại sao những vụ án lớn về kinh tế chủ yếu điều tra, truy tố xét xử được về các tội danh về cố ý làm trái, ít vụ chúng ta chứng minh được là tham ô, nhận hối lộ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc này làm cho kết quả phòng, chống tham nhũng bị hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo của Chính phủ phải có dự báo tình hình tham nhũng. Trên cơ sở đó, việc kiến nghị để tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng mới sát, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; biên chế số lượng thẩm phán của Tòa án quân sự các cấp.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Cải cách hành chính chống tham nhũng vặt - Bài 1: Triệt tiêu 'vòi vĩnh, nhũng nhiễu'
Cải cách hành chính chống tham nhũng vặt - Bài 1: Triệt tiêu 'vòi vĩnh, nhũng nhiễu'

Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay đã góp phần triệt tiêu nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN