Sáng 7/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành LĐ, TB & XH đạt được trên các mặt công tác trong năm 2012; nhấn mạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2012 có đóng góp quan trọng của ngành LĐ, TB & XH - một ngành hoạt động đa lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong khó khăn chúng ta không cắt giảm bất kỳ các khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng thêm các khoản chi cho an sinh xã hội. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành LĐ, TB & XH đã đề ra cho năm 2013 trong đó có một số chỉ tiêu lớn như: tạo việc làm cho 1.600.000 người; tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1.900.000 người; 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi cư trú; giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012; hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa; thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em; đảm bảo bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình; cai nghiện, phục hồi cho 50.000 lượt người...
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ và ngành LĐ, TB & XH tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, nhất là trong xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của bộ, các đơn vị trực thuộc. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của ngành; nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo về lao động, nhu cầu lao động; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp về các vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ LĐ, TB & XH tập trung làm quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề ở khu vực nông thôn theo hướng gắn liền với công việc người dân đang làm để họ có kiến thức tốt hơn, tạo ra năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề. Thủ tướng nêu rõ: Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, lưu ý rà soát để không bỏ sót các đối tượng có công với cách mạng mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước; quan tâm thực hiện công tác quy tập hài cốt liệt sĩ khi đang làm nhiệm vụ ở Lào, Campuchia. Bên cạnh đó, Bộ cần quản lý chặt chẽ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng lựa chọn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thu nhập cao khi đi xuất khẩu lao động cũng như quản lý chặt chẽ, hiệu quả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cần phải kiên quyết hơn nữa trong thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn lao động; tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi trẻ em, bình đẳng giới; có các hình thức tuyên truyền hiệu quả nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ LĐ, TB & XH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương trong chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ nghèo, các đối tượng chính sách; đảm bảo cho nhà nhà có Tết, người người có Tết; nhân dân đón xuân mới đầm ấm, vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng
Chiều 7/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự hỗ trợ của Trung ương, sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Cao Bằng trong năm 2012 tiếp tục giữ được ổn định và có bước phát triển. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng (tương đương 735 USD); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 242,5 nghìn tấn; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4,6%... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương từng bước được cải thiện; an ninh quốc phòng tiếp tục được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững...
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng trong thời gian qua, cho rằng những kết quả mà Cao Bằng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012 là khá toàn diện, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng cao...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, do điểm xuất phát thấp, địa hình đồi núi hiểm trở, đến nay Cao Bằng vẫn còn là một tỉnh nghèo; quy mô kinh tế nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo còn lớn; dù đã hết sức cố gắng song cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông của tỉnh còn kém phát triển... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Cao Bằng cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để tìm ra các cách làm năng động, sáng tạo để tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung ương sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho Cao Bằng phát triển, bứt phá đi lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cao Bằng trước hết cần tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; phát triển du lịch, dịch vụ, mở rộng giao thương với nước láng giềng Trung Quốc... Bên cạnh đó, Cao Bằng cần quan tâm nhiều hơn nữa cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Cao Bằng quan tâm đến công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo hướng khai khoáng phải bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tránh các tác động tiêu cực đến đời sống cư dân cũng như những tác động đến hệ thống hạ tầng về giao thông, thủy lợi...
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang chiều 7/1 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Hà Giang bám sát vào Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội của tỉnh và căn cứ vào khả năng của tỉnh, tập trung nguồn lực vào những ngành, lĩnh vực mang tính đột phá để phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh cần quan tâm chăm lo cho đời sống của đồng bào, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một tỉnh vùng cao núi đá, điểm xuất phát thấp…, song những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân… Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với Hà Giang về những khó khăn của tỉnh nhất là khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở, giao cắt, đi lại khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Hà Giang cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động giao thương, tính toán cơ chế phát triển kinh tế biên mậu với Trung Quốc trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, cùng có lợi và bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Hà Giang cần làm tốt công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương lựa chọn đầu tư xây dựng các công trình mang tính trọng điểm để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông cho biết: Với quyết tâm chính trị cao, trong năm 2012, Hà Giang đã phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm. Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh năm 2012 tăng 10,78%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 31,98%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,68%; các ngành về dịch vụ chiếm 38,4%). Các thế mạnh về thủy điện, khoáng sản, du lịch từng bước được khai thác hiệu quả. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 11,1 triệu đồng/người/năm, tăng 15,43% so với năm 2011;…
Thiện Thuật - Phúc Hằng