Tập trung đầu tư cho Tây Bắc

Tối 2/4, tại thành phố Tuyên Quang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cùng các bộ, ngành trung ương, các tỉnh khu vực Tây Bắc, các nhà đầu tư tổ chức đêm giao lưu “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”. Tới dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh trong và ngoài khu vực Tây Bắc, đại diện một số tổ chức quốc tế…


 

Một tiết mục nghệ thuật tại chương trình giao lưu. Ảnh: Lâm Khánh-TTXVN

Phát biểu tại đêm giao lưu “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tây Bắc là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội của đất nước, trong kháng chiến Tây Bắc là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc trong vùng đã hy sinh biết bao xương máu, một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Ngày nay, người dân Tây Bắc phát huy truyền thống quê hương cách mạng, anh dũng, kiên cường, cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

 

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc rất nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thách thức để xây dựng Tây Bắc ngày càng phát triển, tạo lập cho người dân trong vùng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng rất tâm huyết, tích cực ủng hộ, giúp đỡ các nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, trong đó, các huyện nghèo nhất của vùng đã được các ngân hàng, doanh nghiệp tài trợ trên 1.000 tỷ đồng để xóa nhà tạm, xây trường học, trạm y tế…


Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức quốc tế, các cá nhân… trong cả nước cùng hướng về Tây Bắc tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ đồng bào nghèo vùng Tây Bắc.


lNằm trong chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Bắc 2013, ngày 2/4, tại Tuyên Quang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”.


Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tín dụng cho các tỉnh vùng Tây Bắc, nhờ đó đã thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, cùng nhiều nguồn vốn huy động tại chỗ, vốn các tổ chức tín dụng điều chuyển theo hệ thống, vốn đầu tư nước ngoài, để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Vốn tín dụng ngân hàng đã phục vụ kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân trong toàn vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng Tây Bắc. Tính đến cuối năm 2012, huy động vốn trên địa bàn Tây Bắc đạt trên 76.210 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng trên 110.052 tỷ đồng, tăng 16,34% so với năm 2011.


Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá kinh tế nông lâm Tây Bắc và tín dụng hỗ trợ phát triển, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; nhu cầu tín dụng cho phát triển doanh nghiệp vùng Tây Bắc, thực trạng huy động vốn và cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các loại hình, ngành nghề kinh tế trên địa bàn Tây Bắc; phân tích đánh giá chính sách tín dụng của Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội vùng Tây Bắc…


Đại diện các viện nghiên cứu kinh tế, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cũng chỉ ra rằng: Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, nhưng thời gian gần đây, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động đầu tư tín dụng của ngành vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của vùng Tây Bắc. Công tác huy động nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Điều này tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc.


Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, thời gian tới, ngành ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và chính quyền các địa phương trong khu vực lựa chọn lĩnh vực, xây dựng quy hoạch và các chính sách của địa phương, vùng để làm cơ sở cho hoạt động tín dụng hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển của từng địa phương và cả khu vực.

 

Khuyến khích các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực Tây Bắc. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách về cho vay xóa đói, giảm nghèo; cho học sinh, sinh viên vay vốn… và các chương trình bảo đảm thực hiện an sinh xã hội theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Gắn chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay chính sách và công tác an sinh xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành ngân hàng để người dân trong khu vực nắm được và mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…


Viết Tôn - Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN