Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Trên thực tế, hoạt động xuất bản đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý; chưa có nhiều cuốn sách có giá trị cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội; chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa đáp ứng được yêu cầu, văn hóa đọc tuy được cải thiện nhưng chưa thật bền vững.
Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, nêu ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, vướng mắc của hoạt động xuất bản; phân tích sâu sắc bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động xuất bản, đồng thời đề ra các giải pháp tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xuất bản theo đúng định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm xuất bản, in và phát hành sách đã cung cấp nhiều luận chứng, luận cứ khoa học, với những phân tích, trao đổi sâu sắc về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua; làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách, những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, hội thảo tập trung phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến tâm huyết, làm việc khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm xuất bản được thể hiện sâu sắc qua các tham luận, đồng thời yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản tiếp thu tinh thần Hội thảo, đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản và cơ quan lãnh đạo, quản lý cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một "binh chủng" đặc biệt trong việc đấu tranh, phản biện, cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới…