Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là điểm mới cơ bản nhất của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 20/10.
Chú trọng công tác lập phápTheo thông lệ, trọng tâm nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm không phải là lập pháp, nhưng dự kiến, Kỳ họp thứ 2 sẽ dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ này (khoảng hơn 60% thời gian).
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết bao gồm Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết. Đây đều là những dự án luật quan trọng, có phạm vi tác động lớn, trong đó có những dự án Luật được Chính phủ đề nghị Quốc hội gấp rút đưa vào chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh một điểm mới đáng lưu ý, hoạt động lập pháp của Quốc hội sẽ bám sát và tuân thủ các quy trình trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện đúng như tinh thần đổi mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm chất lượng các dự án luật trình Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng "làm luật", Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngay trong quá trình thẩm tra các dự án luật, sẽ tổ chức các cuộc họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách để cùng cho ý kiến về các dự án luật; đồng thời tăng cường tham khảo ý kiến của chuyên gia. Trong quá trình các văn bản pháp luật xin ý kiến của Quốc hội, nếu luật nào còn nhiều ý kiến chưa thống nhất sẽ tăng thêm thời gian thảo luận ở tổ và ở hội trường để đảm bảo chất lượng.
Về 4 dự thảo luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến đối với quy định về việc lập hội; tổ chức, hoạt động của hội; quản lý nhà nước về hội; đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam... tại dự thảo Luật về hội. Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội đối với dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; lĩnh vực tín ngưỡng; công nhận tổ chức tôn giáo; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài; quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các hành vi bị nghiêm cấm.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật đấu giá tài sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến cụ thể đối với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, về đấu giá viên, về tổ chức xã hội-nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên, về doanh nghiệp đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, về hình thức đấu giá và phương thức đấu giá, về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá và bồi thường thiệt hại, về thù lao dịch vụ đấu giá...
Điểm đáng lưu ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 đã phát hiện một số sai sót của Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.
Theo dự thảo Luật trình Quốc hội phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc Phần: Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần: Các tội phạm; trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều (Điều 292 quy định về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông).