Tâm hồn và trí tuệ của một con người vĩ đại

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết từ “chết”. Như cánh hạc giữa trời, Người ung dung đi về cõi bất tử. Sự ung dung, thanh thản, đức khiêm nhường, tình thương yêu nhân dân bao la, những phẩm chất cao đẹp chỉ thấy ở những bậc vĩ nhân kiệt xuất.

 

Không phải ai cũng dễ chấp nhận cái vòng “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” như một lẽ tất nhiên của quy luật. Nhưng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”i. Bởi vì “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là cảm giác thanh thản của một người đã hoàn thành công việc của mình. Tâm hồn Người từ lâu đã hòa đồng với thiên nhiên khoáng đạt.

 

Khi qua đời, Người mong rằng di hài của mình cũng sẽ hòa đồng với non sông đất nước để linh hồn Người được gần gũi hơn với nhân dân khắp mọi miền. Sự ung dung, thanh thản trước tuổi già và cái chết, đức khiêm nhường, tình thương yêu nhân dân bao la, đó là những phẩm chất chỉ thấy ở những vĩ nhân kiệt xuất trong lịch sử loài người. Nhiều học giả đã ca ngợi “tiên phong đạo cốt” ung dung tự tại, siêu thoát và cao quý của Hồ Chí Minh như một bậc thánh/tiên thoát tục. Nhưng đó cũng là nét nổi bật trong phong cách sống, phong cách đạo đức của người chiến sĩ lỗi lạc trọn đời hy sinh cho dân, cho nước.


Ngày 15/5/1965, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời tiên tri - cũng là lời khẳng định kiên quyết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa; “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Trong lần sửa lại cuối cùng, ngày 10/5/1969, Người lại viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.


Đó là một điều chắc chắn”.


Với nhãn quan chính trị sáng suốt, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán về cách mạng Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Cái nhìn lạc quan của Hồ Chí Minh phản ánh trí tuệ sáng suốt, kinh nghiệm dày dạn của một nhà cách mạng lão thành tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân; tin vào sự chiến thắng tất yếu của chính nghĩa, nhân đạo và những giá trị cao quý của phẩm giá con người trước chiến tranh phi nghĩa bạo tàn, phản nhân văn, phản tiến bộ.


Trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập đến những vấn đề mà Đảng ta, nhân dân ta cần chú ý thực hiện sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi. Trong lần sửa lại tháng 5/1968, Người nhấn mạnh: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.


Những công việc mà Người trù liệu cho chúng ta sau ngày chiến thắng được đề cập đến trong Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành định hướng cho chúng ta trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước hôm nay. Dù Người chỉ nói vắn tắt nhưng đó là những định hướng chiến lược phát triển toàn diện kinh tế - chính trị - xã hội - văn hoá của đất nước: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.


Tin vào dân, dựa vào lực lượng của nhân dân là nét nhất quán trong tư tưởng cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để hoàn thành công việc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, trong Di chúc, một lần nữa Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của lực lượng quần chúng nhân dân: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã hư hỏng, cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi.

 

Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Hôm nay, những dòng này còn mang ý nghĩa rộng hơn khi trước yêu cầu đẩy mạnh chúng ta đang nhấn mạnh yêu cầu tăng cường mối quan hệ Đảng - dân; dân - Đảng, tăng cường tính nhân dân của Đảng, huy động nhân dân tham gia những phong trào do Đảng phát động chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, chống suy thoái, biến chất, xây dựng Đảng vững mạnh.

 

Ngô Vương Anh


i Những đoạn trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn từ “Các bản in nguyên văn bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong sách Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, từ trang 609 đến trang 624.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Trước khi trở về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, cho hậu thế muôn đời, Hồ Chí Minh căn dặn nhiều điều, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN