Phiên họp toàn thể lần thứ 34 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phiên họp toàn thể lần thứ 34 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội theo hình thức trực tuyến đã diễn ra vào sáng 16/3. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Chú thích ảnh
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026; thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố.

Trong phiên làm việc sáng 16/3, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện.

Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã đạt và vượt 10 trong tổng số 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%, nằm trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,99%. Năm 2020 kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.

Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, cho rằng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động. Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ các nội dung cụ thể.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong nhiệm kỳ qua, tình trạng xin điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều. Trong khi đó, nhiều dự án có trong Chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm; chưa được khắc phục triệt để việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nêu rõ: Đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần, vì thế, nếu không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế thì khó khắc phục được tình trạng này trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.

Theo bà Trần Thị Dung, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo còn chung chung. Đại biểu đề nghị báo cáo cần bổ sung phụ lục chỉ ra 14 văn bản quy định chi tiết còn đang nợ, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, sau khi Luật được thông qua, việc ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn chậm. Chính phủ cần rút kinh nghiệm sâu sắc hơn, khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác thi hành pháp luật. Theo đại biểu, việc ban hành văn bản là một khâu, nhưng còn nhiều vấn đề khác, kể cả tuyên truyền, tổ chức thi hành ở cơ sở. Do nhận thức chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần của Luật nên việc thi hành pháp luật vẫn “tắc” ở cơ sở.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội về kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đồng thời, đề nghị báo cáo cụ thể về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế; kết quả thực hiện việc “sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp”. Chính phủ cũng cần đánh giá tính hiệu quả của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kết quả đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về: việc thành lập thị trấn Quý Lộc, thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; việc thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang); điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Phan Phương (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 32 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 32 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngày 29/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 32 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra các Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Đắk Nông và việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị thuộc các tỉnh: Bình Định, Hòa Bình và Bắc Ninh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN