Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân

Tỉnh Ninh Bình có 1.420 km2 diện tích đất tự nhiên với hơn 913.000 người, trong đó nông dân chiếm 75% dân số. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ 48,6% lao động ở khu vực nông thôn, hội viên Hội Nông dân chiếm 86,4%.


Nhờ làm tốt công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" gắn với phong trào "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM)" nên Ninh Bình hiện không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 2 - 2,5%, riêng năm 2012 chỉ còn 8% hộ nghèo theo tiêu chí mới.


Vai trò nòng cốt xây dựng nông thôn mới


Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Hội Nông dân Ninh Bình đã sớm khẳng định vai trò nòng cốt trong việc huy động người dân nói chung, nông dân nói riêng góp công, góp của xây dựng NTM. Muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng, phương pháp hữu hiệu nhất là cử cán bộ đến tận cơ sở vận động, giúp người dân hiểu được những nội dung cơ bản của chương trình xây dựng NTM là để phục vụ cho ai, ai được hưởng lợi, từ đó có biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện cho phù hợp.


Khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới của xã miền núi Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Bùi Mai Hoa khẳng định, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Để làm tốt vai trò này, công tác tuyên truyền đến hội viên được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, làm cho hội viên hiểu rõ mục đích, lợi ích, cách làm, cơ chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. "19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM là mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng là bí quyết của thành công - bà Bùi Thị Hoa nhấn mạnh.

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thôn Vân Trà, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Các cấp Hội đã vận động được 8.687 hộ nông dân tự nguyện hiến trên 30 ha đất, đồng thời đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu, tài sản trên đất và ngày công lao động với giá trị 140 tỷ đồng. Hội còn chung tay phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động bà con tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhờ đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng có "đất" để phát triển rộng rãi trong từng làng, bản, thôn, xóm với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Liên hoan "Tiếng hát đồng quê", hội thi "Nhà nông đua tài"..., góp phần tạo thêm những sân chơi bổ ích, củng cố đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi và nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nông dân.


Cùng với công tác tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp còn tập trung huy động mọi nguồn lực kết hợp với hỗ trợ, vận động người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống tệ nạn xã hội, từ đó nhân ra diện rộng. Trong 5 năm (2008 - 2013), toàn tỉnh đã hình thành được 258 mô hình giảm nghèo bền vững. Tổ chức Hội trực tiếp giúp đỡ 2.454 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; có 125 hộ thu nhập bình quân từ 300 đến 500 triệu đồng/năm; 35 hộ đạt thu nhập hàng năm từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng và 25 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên.


Giai đoạn 2011 - 2015, Hội Nông dân Ninh Bình tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều dự án đầu tư vốn phát triển kinh tế cho 25 xã điểm xây dựng NTM ở 8/8 huyện, thị, thành phố với số tiền trên 6 tỷ đồng, qua đó khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước hình thành phong trào thi đua làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.


Chi hội ngành nghề - "bệ phóng" để xóa đói giảm nghèo


Xác định rõ công tác xây dựng tổ chức Hội là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa then chốt quyết định đến chất lượng hoạt động, Hội Nông dân Ninh Bình triển khai nhiều biện pháp phát triển hội viên mới đi đôi với việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, lấy lợi ích thiết thực của người nông dân làm động lực thu hút, tập hợp hội viên. Trực tiếp theo dõi, quản lý 144 cơ sở Hội với 1.602 chi hội, tăng 74 chi hội so với năm 2008, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc thành lập các chi hội theo ngành, nghề, tăng cường cho vay vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đây chính là nhân tố quan trọng để đến hết năm 2012, tỉnh có 69 làng nghề sản xuất hàng thủ công truyền thống từ cói, thêu ren, mây tre đan, chạm khắc đá mỹ nghệ trên địa bàn được công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh.


Bảo tồn và phát triển thành công nghề đan cói thủ công truyền thống ở xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) là một minh chứng rõ nét, khẳng định vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân trong xây dựng NTM. Với số lượng 5 làng nghề đan cói được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, hàng năm, xã Thượng Kiệm đã thu hút khoảng 80% lao động địa phương thuộc các lứa tuổi tham gia làm nghề với mức thu nhập ổn định từ 35.000 - 40.000 đồng/người/ngày. Do là nghề truyền thống nên việc làm nghề và theo nghề của người dân trong xã khá thuận lợi, từ khâu nguyên liệu cho đến bao tiêu sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước.


Sự phát triển của các làng nghề dưới sự định hướng, chung tay góp sức của Hội Nông dân không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy, Sở đang triển khai quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.


Theo bà Đỗ Thị Giàn, tỉnh nên có những cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khôi phục, khuyến khích phát triển các làng nghề thủ công truyền thống phục vụ khách du lịch; đồng thời tham gia xây dựng NTM thông qua hoạt động khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, từng bước giải quyết khó khăn về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, hướng các làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong thời gian tới.



Vũ Anh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN