Phát huy giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh

Việc UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, đánh giá khách quan của nhân loại tiến bộ đối với di sản Hồ Chí Minh; qua đó, càng thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1987 - 2022) và 35 năm Ngày thành lập Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, ngày 19/8, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di sản Hồ Chí Minh - Những giá trị bền vững, soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay”. 

Chú thích ảnh
PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, đánh giá khách quan của nhân loại tiến bộ đối với di sản Hồ Chí Minh; qua đó càng thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Ngọc Giang đề nghị các đại biểu phân tích, trao đổi, làm rõ một số nội dung chủ yếu liên quan đến Nghị quyết UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh; những nội dung chứa đựng giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh; phát huy những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay…

Tháng 11/1987, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 24, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Chú thích ảnh
Đại diện Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày tham luận tại Hội thảo, đại diện Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) chỉ rõ: Nghị quyết đã khẳng định những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”... Trong Nghị quyết của mình, Đại hội đồng UNESCO không chỉ khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người” mà còn yêu cầu Tổng Giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”.

Hàng loạt các phát biểu, đánh giá về tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa của Nghị quyết 24C/18.6.5 đã được nêu đậm không chỉ tại các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào năm 1990, mà còn tại nhiều hoạt động kỷ niệm nhiều năm sau đó và cho đến tận ngày nay.

Với tham luận “Hồ Chí Minh - Biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt Nam và thế giới”, ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã vượt thời gian; khẳng định trước một vấn đề UNESCO cùng các nước phát triển tiên tiến hiện nay đã, đang và sẽ cùng nỗ lực phấn đấu để: Văn hóa phải vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển trong thời đại mới.

Chú thích ảnh
PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phân tích về một số đặc trưng của văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có văn hóa đọc, viết, văn hóa ứng xử, văn hóa ngoại giao… ông Đỗ Hoàng Linh cho rằng, văn hóa Hồ Chí Minh là đỉnh cao của văn hóa Việt Nam và là một biểu tượng đặc biệt của văn hóa thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại từ truyền thống văn hóa Việt Nam, sáng tạo và tỏa sáng. UNESCO tuyên bố: Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Người đã đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Những tư tưởng của Người là khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

Tiến sỹ Lê Trung Kiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp to lớn về xây dựng và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam: Về vai trò, mục tiêu, con đường phát triển; về tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; về cơ cấu, nguyên tắc, hiệu quả kinh tế; về lựa chọn mô hình và cách thức phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm có giá trị bền vững của Người để lại, chỉ dẫn cho Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách kinh tế cụ thể trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Về vai trò và mục tiêu của việc phát triển kinh tế, Người khẳng định: “Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân”. Mục đích nâng cao đời sống của nhân dân chi phối các quan hệ làm chủ, độc lập, tự do và là cơ sở để xây dựng đường lối, kế hoạch và cách thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế chứa đựng những tư tưởng mới, hiện đại, khoa học và cách mạng, có ý nghĩa thời sự và giá trị định hướng sâu sắc trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc, phê phán, bóp méo về những quan điểm kinh tế của Hồ Chí Minh, xuyên tạc rằng kinh tế xã hội chủ nghĩa khác với kinh tế tư bản chủ nghĩa, phủ nhận mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Họ còn cao giọng rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau, việc gán ghép là chủ quan, duy ý chí và không có cơ sở khoa học.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, Người khẳng định: “Công tư đều lợi… Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển”. Kế thừa và vận dụng quan điểm đó, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Những thành quả phát triển kinh tế trong hơn 35 năm đổi mới của Việt Nam phải trải qua ba thập kỷ chiến tranh tàn phá và gần một thập kỷ bị thực dân đô hộ là minh chứng thuyết phục nhất để phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo trên. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng” và xóa bỏ mọi rào cản, định kiến cho kinh tế tư nhân phát triển. Những chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành; kinh tế phát triển; đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập tăng lên là minh chứng thuyết phục nhất để đập tan mọi hoài nghi hay phủ nhận của thế lực thù địch.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo, là thành quả lý luận đổi mới của Đảng, có kế thừa truyền thống dân tộc và kinh nghiệm của nhân loại. Qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Những thành tựu đạt được đó đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Phan Phương (TTXVN)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng bất tận 
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng bất tận 

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận không chỉ cho các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam mà còn của nước ngoài. Bằng nhiều cách tiếp cận, mỗi nhà nghiên cứu lại có những cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN