Trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn của mình trên nghị trường Quốc hội sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định trách nhiệm và những quyết tâm của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trước Quốc hội vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Trân trọng những góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ của QH để Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ hoàn thành chức trách của mình đối với đất nước, đối với Đảng và nhân dân.
Trong hơn 2 tiếng trực tiếp trả lời chất vấn của 9 vị ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu Chính phủ về một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến Tập đoàn Vinashin, sẽ kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình và các thành viên Chính phủ theo đúng trình tự, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) mở đầu chất vấn với câu hỏi Vinashin sẽ tự vay, tự trả bằng cách nào? Trách nhiệm đại diện chủ sở hữu quản lý Tập đoàn, các Tổng công ty 91 của Thủ tướng trước thực trạng của Vinashin như hiện nay?
Thủ tướng cho biết, Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được qua nhiều lần thảo luận tại Chính phủ là khả thi. Nhưng từ đề án đến thực hiện còn là một quá trình đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, cụ thể. Trong quá trình thực hiện đề án này, một nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng. Thủ tướng khẳng định, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin sẽ kiên trì thực hiện theo quy trình đó. Nội dung cụ thể như thế nào để trả được nợ, Ban chỉ đạo, Hội đồng quản trị Tập đoàn sẽ sẵn sàng trình bày để các đại biểu góp ý kiến.
Các ĐB Phạm Thị Loan và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cùng có câu hỏi về trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin.
Bà Phạm Thị Loan chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Thái |Bình - TTXVN |
Thủ tướng trả lời, việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại Tập đoàn, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý. Là người đứng đầu, Thủ tướng nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm, trách nhiệm cụ thể như thế nào sẽ được công khai.
Còn về trách nhiệm của Thủ tướng là người được giao tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, Chính phủ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, đối với các tổng công ty nhà nước. Điểm mới là tổ chức thực hiện không có bộ chủ quản như trước và đã phân công, làm rõ hội đồng quản trị là cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang thí điểm một số tập đoàn kinh tế thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành kinh doanh chính. Thí điểm thì cũng có thể thành công, cũng có thể không thành công. Tám tập đoàn kinh tế và nhiều tổng công ty đã thực hiện theo mô hình này hầu hết là thành công. Đương nhiên trong mô hình này có cái cần phải điều chỉnh cho thích ứng với tình hình mới.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về chất lượng quy hoạch và quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, Thủ tướng cho biết quy hoạch kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch chuyên ngành có một bước tiến dài, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Hiện Chính phủ mới chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ.
ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam) đặt vấn đề, vì sao có tình trạng đầu tư kinh phí nhỏ giọt khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo? Vì sao việc phân bổ vốn của các bộ, ngành trung ương thường thấp hơn rất nhiều với mức phê duyệt của Chính phủ?
Về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đúng là có dự án bố trí vốn ít, nhưng Thủ tướng mong các đại biểu, đồng bào chia sẻ với Chính phủ. Gốc của vấn đề là ngân sách của đất nước còn hạn hẹp, Chính phủ sẽ hết sức cố gắng bằng nhiều nguồn để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
Trả lời câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) liên quan đến phê duyệt quy hoạch Hà Nội, Thủ tướng cho biết, quy hoạch Hà Nội được xây dựng để phù hợp với điều kiện Thủ đô Hà Nội mở rộng. Chính phủ cũng đã lập Ban chỉ đạo để cùng với Hà Nội xây dựng quy hoạch này. Chúng ta cũng đã cố gắng làm theo đúng các trình tự quy định của pháp luật, tạo mọi điều kiện để lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng để có một quy hoạch Thủ đô Hà Nội xứng tầm.
Bày tỏ thái độ đồng tình với Chính phủ, ủng hộ việc tái cơ cấu Vinashin, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị một giải pháp trước mắt có thể làm ngay được, đó là Thủ tướng với quyền hạn của mình sẽ bắt buộc tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn phải công bố thông tin như là những doanh nghiệp khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp phụ trợ.
Về trách nhiệm đối với Vinashin, Thủ tướng khẳng định, đúng là thể chế, cơ chế còn chưa đủ cụ thể, chưa đủ chặt chẽ. Nhưng chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mỗi quốc gia quản lý doanh nghiệp một cách khác nhau, bởi vì có đặc điểm của mỗi nước. Lấy mô hình của ai đó cho mình thì cũng không phù hợp. Chúng ta chỉ có thể tham khảo, rồi từ thực tiễn của mình, tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, đối với doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng cũng cho rằng, Nghị định về công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp phụ trợ để công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế là một chủ trương rất quyết tâm của đất nước ta, của Chính phủ, việc phát triển này hết sức cần thiết. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì soạn thảo nghị định này.
TTN/TTXVN