Chủ trì Hội thảo gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, ban, ngành, đoàn thể, các chuyên gia, học giả chuyên ngành.
Hội thảo là dịp tiếp tục khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng mang tầm thời đại của V.I. Lê-nin đối với cách mạng thế giới và Việt Nam, đồng thời nghiên cứu tiếp tục bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo di sản của V.I. Lê-nin vào thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh mới. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 5 điểm cầu ngay tại trụ sở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tấm gương đạo đức mẫu mực của người cộng sản chân chính
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: V.I. Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, người kế tục xuất sắc sự nghiệp giải phóng con người của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã thắng lợi trọn vẹn. Sự kiện này đã đặt ra nhiệm vụ mới đối với V.I. Lê-nin - nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, nhân dân Nga bảo vệ chính quyền công - nông, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga và lãnh đạo cách mạng vô sản đang hình thành và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. V.I. Lê-nin đã dành toàn bộ phần còn lại của cuộc đời thực hiện nhiệm vụ này.
Với những cống hiến của V.I. Lê-nin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin - chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó. Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Là lãnh tụ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I. Lê-nin không chỉ quan tâm đến vận mệnh của nước Nga, mà còn luôn quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của các dân tộc thuộc địa. V.I. Lê-nin đã xác định đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản; đồng thời vạch ra những vấn đề có tính nguyên tắc của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đối với Việt Nam, nội dung "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I. Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I. Lê-nin, đến nay, lý luận của Lê-nin nói riêng, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, V.I. Lê-nin đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch. Dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I. Lê-nin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của V.I. Lê-nin trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, là dịp thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I. Lê-nin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lê-nin, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Đó cũng chính là thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin", "là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta".
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Từ hành trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu thực tiễn chính trị và tư tưởng, lý luận hàng chục năm ở nhiều nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: "cách mạng" có nhiều thứ, "chủ nghĩa", "học thuyết" cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công "đến nơi" và chủ nghĩa Lê-nin là "chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất". Chỉ theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới có thể giải đáp được những yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc, đó là độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Cách mạng Việt Nam chỉ có một con đường tất yếu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kiên định, vững vàng giương cao ngọn cờ "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" đã trở thành phương châm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và là con đường duy nhất đúng, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, với kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng của một đảng cách mạng chân chính, Đảng ta luôn nhận thức rõ yêu cầu phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; luôn nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu giải quyết những khó khăn, thách thức, những vấn đề lý luận và thực tiễn mới, phức tạp nảy sinh trong tiến trình đổi mới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từng bước được kiềm chế và đẩy lùi, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, góp phần tạo nên dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Sau gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", nhất là 10 năm gần đây, "Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,... chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay" . Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, tiếp tục khẳng định: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Tư tưởng Lê-nin về Đảng cộng sản kiểu mới đem lại những thành tựu cho Việt Nam
Tham luận tại Hội thảo với nội dung: "Vai trò của V.I. Lê-nin trong bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác", Giáo sư Trần Văn Phòng, Viện trưởng viện Triết học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Lê-nin không chỉ bổ sung phát triển mà còn là người vận dụng sáng tạo và thành công chủ nghĩa Mác vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết.
Dưới góc nhìn Đảng Cộng sản Việt Nam với việc vận dụng tư tưởng Lê-nin về quan hệ giữa chính trị và kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiếu, Tạp chí Cộng sản khẳng định, cùng với học thuyết Mác, Đảng đã luôn vận dụng tư tưởng của Lê-nin vào phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước ta. Tư tưởng của Lê-nin về Chính sách kinh tế mới (NEP) là cơ sở nền tảng để Đảng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới. Các nguyên lý của chủ nghĩa Mác, đặc biệt là tư tưởng của Lê-nin được Đảng ta vận dụng phát triển vào xây dựng, củng cố liên minh giai cấp và đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Lê-nin về Đảng cộng sản kiểu mới đã được vận dụng sáng tạo, đem lại những thành tựu trong xây dựng và củng cố vai trò Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đi đến thắng lợi. Đảng ta vận dụng tư tưởng của Lê-nin trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong nhận diện và xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
Có thể khẳng định, Hội thảo đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định quan điểm: Kiên định, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta; xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là vào việc hoàn thiện Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.