Nhiều ý kiến khác nhau về số lượng phó ban chuyên trách HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch xã loại II

Số lượng phó ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II là một trong những nội dung nổi bật của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận sáng 10/6.

Chú thích ảnh
Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cần xem việc tăng phó chủ tịch UBND có tương xứng với việc giảm một phó chủ tịch HĐND

Trong tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh do quá trình xây dựng dự án Luật còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, không quá 2 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức  chính quyền địa phương hiện hành. Chính phủ thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường cho thấy còn có ý kiến băn khoăn về lựa chọn này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, việc tăng hay không tăng biên chế, quan trọng nhất là phải tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa luật. Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới ban hành có hiệu lực được hơn 3 năm, công tác tổ chức bộ máy cần mang tính ổn định, bền vững. Do vậy, việc tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban HĐND cần cân nhắc. Nêu quan điểm cá nhân, đại biểu đồng tình giữ nguyên số lượng như hiện nay với lý do “luật mới đi vào thực hiện hơn 3 năm mà giờ lại xáo trộn biên chế, tổ chức bộ máy, tính hiệu lực, hiệu quả của hai luật này đã được trả lời bằng hiệu quả của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018”. Đại biểu cho rằng, cần xem việc tăng phó chủ tịch UBND có tương xứng với việc giảm một phó chủ tịch HĐND không. 

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), cần xem xét số lượng cấp phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện trong tổng thể các chức danh và tổ chức bộ máy HĐND cùng cấp và trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Luật cần quy định rõ về tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu, đây chỉ là tỷ lệ để đảm bảo số cơ quan HĐND cần có để tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Tại sao Quốc hội yêu cầu  tới đây phải nâng tỷ lệ chuyên trách, còn địa phương lại đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đi”, đại biểu đặt câu hỏi. 

Theo đại biểu, nhiệm kỳ này, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh đã nâng lên rõ rệt, một trong những nguyên nhân tạo nên tiến bộ chính là tăng số lượng đại biểu chuyên trách làm việc ở các ban. Khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách  mới có căn cứ xác định số lượng phó chủ tịch, phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

“Nếu bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách, cũng chỉ nên bố trí một cấp phó là chuyên trách để hỗ trợ. Việc giảm một phó chủ tịch HĐND huyện, tỉnh không nên cứng nhắc, chỉ cứng quy định về biên chế chuyên trách HĐND, tùy điều kiện tình hình, về quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 phó chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp”, đại biểu nói. 

Đại biểu cũng cho biết đồng ý với việc tăng thêm số lượng một phó chủ tịch UBND cấp xã loại II, để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề cho trúng để tới đây có cách ứng xử tiếp theo.

Thống nhất với việc có 2 phó chủ tịch HĐND, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định, Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch. Qua quá trình thực hiện, HĐND đã phát huy tốt nhiệm vụ góp phần phát huy hiệu quả của HĐND. Do đó, việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng.

Đại biểu cho rằng, theo phương án của Chính phủ, giảm cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao. Lý giải của Chính phủ là giảm đồng bộ như vậy để có sự đồng bộ về tổ chức bộ máy nhà nước là chưa thực sự hợp lý, vì chúng ta phải bảo đảm được 2 mục tiêu song song là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng cũng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học, sẽ không hiệu quả, dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên. 

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, có thể nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch HĐND. Với những địa phương nhất thể hóa chức danh, trường hợp chủ tịch HĐND không chuyên trách, nếu áp dụng phương án 1 như dự thảo Luật (giảm còn 1 phó chủ tịch HĐND), việc điều hành công việc rất khó khăn, không thể đảm đương các công việc do luật định. Với những tỉnh loại 1, thành phố lớn, quy định lại càng khó khăn hơn trong thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu bày tỏ. 

Cũng theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, theo quy định, phó chủ tịch HĐND giúp việc cho chủ tịch HĐND trong điều hành phiên họp, nếu chỉ có một phó chủ tịch HĐND, trong trường hợp đột xuất, bất khả kháng xảy ra không thể tham gia phiên họp của HĐND sẽ không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc. Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao. Do đó, cần giữ số lượng đại biểu chuyên trách như hiện hành là 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giám sát, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp. 

Tránh “trăm hoa đua nở” cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, dự thảo luật không cụ thể hóa được chủ trương của Nghị quyết  18, 19 về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho việc thực hiện chủ trương của Đảng. Thậm chí, có nội dung đã được Quốc hội quy định, thì lần này lại bãi bỏ, giao Chính phủ quy định như quy định số lượng cấp phó cấp vụ không quá 3 người, tổng cục không quá 4 người không được dự luật nhắc đến.

“Như vậy số lượng cấp phó này đã không bị khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và cũng không rõ số lượng này tăng lên hay giảm đi”, đại biểu băn khoăn.

Theo ông, đây là một nội dung đã được Quốc hội khóa 13 thảo luận kỹ, nhằm khắc phục tình trạng có quá nhiều cấp ở cơ quan Trung ương. Việc bỏ quy định này cũng chưa được tổng kết đánh giá việc thực hiện trong thực tiễn.

“Tôi cho rằng việc xây dựng luật theo hướng luật khung là bước lùi của dự thảo. Có cử tri nói rằng có lẽ chẳng đâu như chúng ta, luật ban hành nhưng Chính phủ không ban hành nghị định thì luật chết ngay”, đại biểu thẳng thắn.

Về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, theo đại biểu Trần Văn Lâm, có thể phân cấp cho Chính phủ quy định bộ máy cấp dưới, nhưng không phải chỉ quy định khung số lượng, còn các địa phương tùy ý xác định có cơ quan nào nằm trong bộ máy của UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Làm như vậy sẽ mỗi nơi một khác, sẽ rất khó khăn, phức tạp. Chính phủ quy định nhưng phải rõ ràng, thống nhất về tổ chức bộ máy của UBND tỉnh, huyện giữa các địa phương. Sự khác nhau, có chăng chỉ là một chút trong điều kiện đặc thù vùng miền đô thị, nông thôn và sự khác nhau này cũng phải được Chính phủ quy định rõ ràng, tránh sự “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một cách như vừa qua thí điểm lập các cơ quan trong hệ thống hành chính chính trị ở các địa phương, sau đó Chính phủ phải đề nghị tạm dừng, chờ hướng dẫn. 

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Giải trình, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc giao cho Chính phủ quy định khung của các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện để khắc phục tình trạng giao cứng cơ quan chuyên môn. Cũng theo Bộ trưởng, quy định biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa là nhằm khắc phục tình trạng “đẻ” quá nhiều cơ cấu tổ chức bên trong. Vì vậy, muốn thành lập cơ cấu tổ chức bên trong, phải có biên chế tối thiểu, tổ chức này phải thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện đa nhiệm vụ, đa chức năng, giống như quy định bộ, ngành hiện nay quản lý nhà nước đa nhiệm vụ, đa chức năng. 

“Nếu có số lượng biên chế ít hơn, phải nhập các phòng khác để thực hiện chức năng quản lý đa ngành, chuyên ngành, cũng để hạn chế tình trạng số lượng lãnh đạo của các cơ quan bên trong nhiều hơn công chức”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông, nguyên tắc đặt ra là phải đảm bảo giảm đầu mối, giảm biên chế trên cơ sở giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; không đặt vấn đề giảm biên chế, giảm tổ chức hoặc nhằm mục đích tăng tiền lương mà là thực hiện đồng bộ trong việc tinh gọn lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu tổ chức và hoạt động bộ máy hiệu lực.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm bán rượu, bia trên Internet
Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm bán rượu, bia trên Internet

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang tiếp tục được lấy ý kiến. Trong đó, quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN