Người nữ sinh Việt kiều yêu nước với Tết Mậu Thân

45 năm trước tham gia chiến dịch “Tết Mậu Thân 1968” thế kỷ 20, anh chị em đồng chí, đồng đội trong cơ quan Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định ai cũng quen thuộc và thân thiết người nữ sinh Việt kiều bé bỏng mà kiên cường trên trận mạc lại là nữ biệt động kiên trung trí dũng giữa sào huyệt quân thù. Người nữ sinh Việt kiều ấy có tên Đinh Thị Ngọc Lợi.


Đáp lời kêu gọi của non sông, Ngọc Lợi xếp bút nghiên, tạm biệt gia đình, rời đất khách, tình nguyện trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược vào mùa thu năm 1967 - ở độ tuổi trăng tròn.


“Ba Thu” là địa danh thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, giáp biên nước bạn Campuchia, một vùng mông quạnh đồng khô cỏ cháy - mà khi đó náo nhiệt, rộn ràng đông vui như hội lớn. Bộ đội các nơi hành quân rầm rập tiến về điểm tập kết chuẩn bị vào chiến dịch “Tết Mậu Thân 1968” lịch sử. Tại đây, người nữ sinh Ngọc Lợi đăng ký tòng quân và đã được bổ sung vào cơ quan Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4) do đồng chí Năm Quảng làm thủ trưởng.


Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. (Nữ chiến binh Đinh Thị Ngọc Lợi - người đứng bìa bên phải).
Ảnh : Tư Liệu


Lệnh xuất quân ban truyền, các lực lượng giải phóng háo hức hăm hở lên đường nhắm hướng Sài Gòn thẳng tiến. Ngoài ba lô cá nhân, túi cứu thương, Ngọc Lợi còn quàng khẩu tiểu liên AK và khẩu súng ngắn K54 với 500 viên đạn theo cơ số tác chiến. Dưới trời đêm, các cánh quân âm thầm băng đồng bưng, bí mật lách qua bao nhiêu đồn bốt dưới làn bom pháo địch, nhanh chóng tiếp cận ven đô. Đang lúc ém quân, máy bay giặc lao tới ném bom, bắn phá đội hình đơn vị.


Một quả bom nổ sát công sự người nữ tân binh khiến đồng đội phải kêu lên: “Chết con Lợi rồi, chết con Lợi rồi…”. Tan khói bom, sau lưng người nữ cứu thương bé bỏng, mảnh bom đã hớt vạt áo và chiếc ba lô. Sợi dây chuyền vàng má cho để hộ thân đeo trên cổ cũng chẳng còn. Rất may Ngọc Lợi không bị vết thương nào. Liền đó, các đồng đội, kẻ cho áo, người cho khăn, cho nón giúp Ngọc Lợi chỉnh đốn trang phục. Suýt bỏ mạng ngay trận bom đầu - Ngọc Lợi không sợ, vẫn tiếp tục cùng đồng đội đột nhập nội thành Sài Gòn, trong khi bom đạn thách thức mỗi lúc càng ác liệt.


Ngọc Lợi như con thoi luồn lách trong lửa đạn băng bó chiến thương, đồng thời nổ súng đánh địch phản kích. Người nữ chiến binh còn trưng dụng “xe lam” của dân, tự chuyển chiến thương nhanh chóng đưa đến trạm phẫu thuật tiền phương cấp cứu. Được nhân dân nội thành đùm bọc cưu mang, các chiến binh - giải phóng bám trụ nhiều ngày đêm, kiên cường đánh địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.

Nữ chiến binh Đinh Thị Ngọc Lợi trở thành nữ biệt động Sài Gòn: Trương Thị Lý trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử.
Ảnh : Tư Liệu


Sau khi hoàn hồn, Mỹ - Ngụy huy động hải - lục - không quân điên cuồng phản kích dội bom, bắn pháo bừa bãi, gây nhiều tội ác với đồng bào. Quân ta chủ động phòng ngự, quyết liệt đánh địch phản kích trên trận địa vùng ven. Đang lúc quần thảo, trong tình thế bức bách, dù không biết bơi, Ngọc Lợi vẫn tự gieo mình xuống sông Sài Gòn, thà hy sinh quyết không để giặc bắt. Rất may được anh Dân đồng đội, người yêu của chị Hoa cứu mạng. Lần khác, đang lúc đi thuyền trên sông, máy bay Mỹ lao tới oanh kích khiến thuyền lật úp. Dù cố sức chòi đạp, nhưng vì không biết bơi, nên Ngọc Lợi đành chìm đến tận đáy sông, cùng băng đạn AK còn đeo trước ngực, uống nước cành hông. Lạ thay, vừa đụng đáy, cô tự dưng trồi lên mặt nước. Khổ nỗi đầu cô đụng phải chiếc thuyền, nên đang loay hoay trong khi chưa kịp vượt mặt, lấy hơi lại tiếp tục chìm xuống. Lần này Ngọc Lợi đinh ninh: chết chắc - sẽ không còn thấy mặt cha mẹ anh em. Nhưng rồi cô tiếp tục trồi lên lần nữa. Thật hết sức may, vừa ngoi lên mặt nước liền được đồng đội cứu vớt đẩy vào bờ, kéo nhau cùng chạy dưới làn bom đạn.


Qua đợt I tổng tấn công, đơn vị trở về hậu cứ củng cố lực lượng.


Sau khi củng cố đội ngũ, các lực lượng giải phóng tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn mở đợt II đồng loạt tấn công và nổi dậy. Ngọc Lợi tung hoành dọc ngang trong mưa bom bão đạn, băng bó chiến thương vừa cứu chữa cho đồng bào bị nạn - quá nhiều phụ nữ và trẻ em bị máy bay giặc Mỹ thảm sát tại khu vực nhà thờ Bảy Vàng! Đêm nọ, đơn vị dừng quân ở xóm vắng ven đô dân tản cư đâu hết - không một bóng người. Tại căn nhà vắng chủ, anh Khả Minh (tức “Bến Nghé” mắc võng nghỉ trước thềm. Chị Thúy (vợ của anh Tám Lâm) và Ngọc Lợi nằm ở bộ ván bên trong. Chị Thúy có ý định sau “đợt II” sẽ ra công khai sinh nở. Chị Thúy nằm bên ngoài. Ngọc Lợi nằm sát vách. Pháo địch bắn liên hồi. Khoảng nửa đêm, Ngọc Lợi bước xuống đi vệ sinh, trở vào thì chị Thúy đã lăn nằm sát vách. Tự nhiên - giữa hai người đổi chỗ nằm cho nhau. Lát sau, một quả đạn đại bác nổ rất gần nhà. Mảnh đạn xuyên qua vách chém đứt ngang đùi chị Thúy. Nạn nhân thét lên thảng thốt kêu chồng: “Chết em rồi - Anh Tám ơi!”. Là nữ cứu thương, Ngọc Lợi lấy bông, băng, thuốc cầm máu cấp cứu cho chị Thúy. Nhưng vết thương quá nặng, gây đứt động mạch chủ, máu tuôn hối xả không thể cầm lại được. Người nữ cứu thương gọi anh Khả Minh cùng đưa chị Thúy xuống xuồng tìm đường đến trạm y tế gần nhất. Gặp lúc nước ròng, cạn dòng chảy, hai “thầy trò” cùng lội bùn đẩy xuồng vượt quãng đường dài. Dọc đường, chị Thúy không ngớt kêu chồng thảm thiết! Đồng chí Khả Minh luôn miệng động viên: “Ráng lên em - ráng lên…”. Vừa tìm đến trạm y tế thì chị Thúy trút hơi thở sau cùng và bào thai cũng lọt khỏi lòng mẹ!


Một sớm đầu thu 1968 trước chợ An Đông - quận 5 Sài Gòn, thủ trưởng Năm Quảng bàn giao Ngọc Lợi cho đồng chí Hai Vũ. Từ ấy cởi áo chiến binh, Ngọc Lợi khoác áo nữ sinh Sài Gòn, lấy tên Trương Thị Lý với giấy “căn cước” của ngụy quyền Sài Gòn, và thực hiện sinh hoạt đơn tuyến. Sài Gòn lúc bấy giờ dưới mắt Lý, thật là hỗn độn: đường sá, chợ búa rác rến bẩn thỉu, luôn nghe lời văng tục, tiếng chửi thề - hoàn toàn xa lạ! Thế nhưng, được sự dìu dắt, chỉ dẫn của đồng chí Hai Vũ, sự nhạy cảm và ý chí phấn đấu luôn vượt lên chính bản thân, nữ sinh Trương Thị Lý nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh trong khi hội nhập.


Đồng chí Hai Vũ tổ chức cho Lý tiếp cận những cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy sân bay, bến cảng, “đệ nhất khách sạn” phòng trà, ca nhạc nhảy nhót đú đởn - những nơi mà hạng “tai to mặt lớn” tướng tá nguỵ quân thường tới lui hưởng lạc. Với phong thái tao nhã, khiêm nhường, bặt thiệp … vào trường học, Lý được các thầy, và rất nhiều bạn gái thân thương, mến mộ. Nhiều “Cục cưng” của những “ông - bà lớn” mời Lý vào thẳng nhà mình giao lưu thân thiết - cho dù đó là những nơi “kín - cổng cao tường” thường trực có quân canh, lính gác. Như vậy, Lý đã tạo thêm lớp vỏ che chắn cho mình. Sau khi lo thủ tục nhập hộ khẩu cho Trương Thị Lý, bác Năm Trai sai người con gái lớn ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Lý đưa về nhà. Qua tiếp xúc, xưng hô, cả gia đình ai cũng tưởng Lý là bà con ruột rà - chỉ có bác Trai mới rõ Lý là ai.


Lúc này đồng chí Khả Minh (tức “Bến Nghé”) vẫn còn “ém” trong nhà bác Năm Thọ (không lộ diện). Thỉnh thoảng, theo yêu cầu, Lý dùng xe máy đích thân đưa đồng chí Khả Minh đi thị sát những cơ quan đầu não của Mỹ - nguỵ đều đạt kết quả an toàn. Giữa năm 1969, đồng chí Khả Minh được lệnh trở ra chiến khu.


Sau khi nhật báo “Tin Mật” bị đóng cửa, đồng chí Hai Vũ bị địch bắt, đồng chí Hai Tân (Trần Trọng Tân) được cử đến thay. Nhận được thơ chỉ đạo của đồng chí Hai Tân, người nữ sinh Trương Thị Lý tìm thuê nhà trọ ở nhà vị chiêm tinh. Đến ở được vài hôm, từ trên gác trọ thấy xe gắn máy chạy qua lại khác thường - sinh nghi, Lý báo cho đồng chí Hai Tân biết đề phòng. Đồng chí Hai Tân trấn an “không sao đâu - cháu yên tâm”. Thế nhưng, đúng 4 ngày sau khi vào ở trọ thì Cảnh sát Tổng nha Sài Gòn đến bao vây nhà, gõ cửa. “Thầy - trò” đóng, khoá chặt cửa, nhanh chóng phi tang tài liệu. Cuối cùng, bọn Công an phải trổ nóc nhà tuột dây xuống, giữa lúc đồng chí Hai Tân còn đang nhai nuốt tài liệu. Căn phòng mù mịt khói đốt giấy tờ. Lý cũng vừa giấu cuộn tài liệu trong bếp dầu lửa. Vẫn còn một xấp nữa trên tay, Lý liền cho ngay vào chỗ kín của người mình, thù không hay biết. Bọn địch lục lạo tứ tung, chúng cạy từng tấm ván sàn, bật lên từng viên gạch tìm kiếm… nhưng chẳng được manh mối nào. Thế là chúng bắt ông “thầy giáo”, “cô gái ở đợ” cả nhà vị thầy bói và toàn bộ gia đình bác Năm Thọ, cho vài xe bít bùng đưa về Tổng nha, giam cách ly từng người để xét hỏi


Giờ đây, cả “thầy” lẫn “tớ” bắt đầu đối mặt với “địa ngục trần gian!”. Trong phòng điều tra, sẵn có dòng chữ lớn trên tường: “Không - đánh cho có. Có - đánh cho chừa”. Thế là một loạt câu hỏi đặt ra - bọn Công an Tổng nha luôn mồm hối thúc Lý phải khai báo.


Bất lực sau mỗi lần hạch hỏi, Công an Tổng nha giở hết thủ đoạn tra tấn dã man này đến kiểu cách hành hạ man rợ khác nhưng bọn cảnh sát Tổng Nha vẫn không tìm thêm lời khai nào khác ở Trương Thị Lý.


Suốt mấy tháng trời, dùng mọi thủ đoạn khảo tra, độc dược, kể cả khuyến dụ đủ điều, Cảnh sát Tổng nha đành bất lực trước sự chặt dạ, bền lòng của người con gái nhỏ, cuối cùng chúng buộc phải trả lại tự do cho Trương Thị Lý!


Ra khỏi ngục tù, gia đình Bác Năm vẫn dành cho cháu Trương Thị Lý một phòng riêng trên gác. Ở đây, Lý vừa tự lo thuốc thang, bồi dưỡng sức khỏe, vừa tiếp tục đi làm cho Trung tâm dưỡng dục trẻ mồ côi của Pháp ở đường Tú Xương - quận 3. Lý vẫn biết thả mình ra, những kẻ thù luôn theo dõi tìm kiếm cơ sở cách mạng, nên hết sức đề phòng và cẩn trọng.


Đã sinh hoạt đơn tuyến, ngoài đồng chí Trần Trọng Tân, Lý chẳng biết ai khác. Bởi vậy, Trương Thị Lý nghĩ rằng chỉ có đi thăm nuôi mới tiếp cận và nghe được ý kiến chỉ đạo của chú Hai Tân. Vẫn biết sau mỗi chuyến thăm nuôi sẽ không khỏi đòn roi tra khảo của bọn chúa ngục nhưng Lý vẫn bàn với bác Năm Thọ giúp, để đi thăm chú Hai. Lần này vào trại giam thấy chú Hai Tân vui, Lý đoán biết sẽ được tâm sự nhiều hơn. Chú Hai dặn: “Cháu cứ ở đó, đừng có đi đâu, hãy chờ!”.


Từ chiến khu xa, cơ quan đã cử chị Hoa vào Sài Gòn cố tìm Ngọc Lợi. Giữa thành phố bao la, không rõ địa chỉ để tìm một người trong hàng triệu con người, đang lúc mật vụ Mỹ - Nguỵ như dơi, quả thật không dễ. Đã mấy tháng rồi mà vẫn chưa ra manh mối - nhưng chị Hoa vẫn kiên trì bí mật dò tìm. Thế rồi “duyên kỳ ngộ” cũng đã đến!


Buổi sáng đẹp trời mùa thu năm 1971, tại cây xăng ngã tư đường Pasteur - Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai - quận 3 - cùng một lúc chẳng ai hẹn ai, cả chị Hoa và Ngọc Lợi đều đưa xe máy đến đây đổ xăng. Ngẫu nhiên mà cũng là tất yếu: Người đang tìm và kẻ đang kiếm tình cờ gặp nhau! Nhận ra nhau, họ mừng vui khôn xiết qua ánh mắt mà chẳng thốt nên lời, vì dè chừng đâu đó có kẻ thù rình rập. Như vậy, chuyến ra Côn Đảo thăm đồng chí Hai Tân không thực hiện được. Ngọc Lợi gấp rút thu xếp việc riêng. Ngay sau đó, hai chị em như đôi cánh chim sổ lồng tung cánh bay an toàn về hậu cứ!


Hôm ấy, cả cơ quan Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định rất đỗi mừng vui chào đón người nữ chiến binh biệt động kiên trung trí dũng, chiến thắng giặc thù - hoàn thành nhiệm vụ trở về.


Bài và ảnh:Vũ Tiến Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN