Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu những vấn đề lớn về kinh tế-xã hội

Chiều 9/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; các đồng chí đại diện Ban cán sự Đảng Chính phủ, lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, một số cơ quan của Quốc hội, địa phương; lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Kinh tế Trung ương.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, bước sang năm 2019 - năm bản lề chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng phương hướng công tác, trong đó chú trọng vào thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và các nhiệm vụ theo chương trình công tác đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Ban Kinh tế Trung ương đề xuất được tổ chức định kỳ hàng năm Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng để có thể triển khai nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Đồng thời, Ban cũng đề xuất về chủ trương cho phép một số tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tái lập Ban Kinh tế tại một số địa phương có chọn lọc đi đôi với việc rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng có chức năng tham mưu về kinh tế - xã hội thuộc văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy hiện nay.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì và hoàn thành 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý I năm 2019).

Từ năm 2016 đến nay, Ban đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 1 đề án trình Ban Bí thư.

Bên cạnh các kết quả nổi bật về công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất, Ban cũng đã hoàn thành tốt công tác thẩm định và tham gia ý kiến, chỉ riêng năm 2018 đã tham gia ý kiến đối với 129 đề án, dự án, tờ trình về kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết đã được Ban chú trọng thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tốt.

Các lĩnh vực công tác khác của Ban từ tổ chức cán bộ, văn phòng, hợp tác quốc tế, thông tin…cũng đã có nhiều đổi mới. Báo cáo kinh tế vĩ mô định kỳ của Ban được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, nhiều sách chuyên khảo, ấn phẩm khoa học của Ban là tài liệu tham khảo được các đồng chí lãnh đạo và các cấp, các ngành rất quan tâm.

Trong năm 2018, một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Chính phủ trong công tác nghiên cứu, thẩm định các đề án và đồng tổ chức các sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như diễn đàn kinh tế, diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ban Kinh tế Trung ương với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đã thể hiện sự thống nhất của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt tối và toàn diện của Đảng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương.

Với kết quả đạt được trong 3 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện đúng vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung nâng cao chất lượng, các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, các vấn đề xã hội gắn với kinh tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2019.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế kinh tế; cải thiện nhanh môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trên cơ sở đó phát hiện, đề xuất các nhiệm vụ đột xuất, thực sự cấp thiết, có ý nghĩa đối với đất nước và phục vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Các nghiên cứu của Ban phải rút ra được những bài học, đề xuất được chủ trương, giải pháp mới để chuẩn bị cho các văn kiện Đại hội.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác thẩm định, quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để đưa các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Qua đó, phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến, khích lệ, biểu dương, nhân rộng cũng như rà soát, phát hiện những sai phạm để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh; tiếp tục rà soát, chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; tăng cường bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm công tác…

Với việc xây dựng, nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực của bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ, Ban Kinh tế Trung ương cần quan tâm đổi mới, hoàn thiện hơn nữa phương pháp công tác, phương pháp làm việc và tổ chức công việc.

Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả thiết thực việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt triển khai nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tốt Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ các hạn chế, tồn tại, đề xuất biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Năm 2019, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN