Trên đây là mục tiêu đến năm 2030, được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đưa ra tại hội nghị sơ kết Đề án 04-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng hoạt động Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, do Tỉnh ủy An Giang tổ chức ngày 2/4.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang đánh giá cao Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mở lớp. Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của trường đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao vị thế của nhà trường…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang cũng nêu rõ, chất lượng đào tạo của trường từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra; một số giảng viên còn nặng về truyền đạt kiến thức, thiếu liên hệ thực tiễn nên chưa phát huy mạnh mẽ tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập của trường còn lạc hậu và ý thức chủ động, tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện của một bộ phận học viên chưa cao.
Ông Lê Văn Nưng nhấn mạnh: Sứ mệnh đào tạo của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cho tỉnh An Giang. Vì vậy, trường cần đi đầu trong công tác đào tạo, mở rộng không gian đào tạo và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh An Giang.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy An Giang, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở về lý luận chính trị-hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương....
Giai đoạn 2021-2025, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Trường phấn đấu đến năm 2025, đạt tiêu chí trường chính trị chuẩn cấp độ 1 theo quy định của Trung ương với quy mô đào tạo, bồi dưỡng từ 50 đến 60 lớp/năm; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong các mặt hoạt động quan trọng của trường như: Quản lý, giảng dạy, nghiên cứu... Trường cũng phấn đấu có đủ số lượng giảng viên theo biên chế; đội ngũ giảng viên chiếm ít nhất 75% tổng số cán bộ, viên chức; ít nhất 50% là giảng viên chính trở lên; ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy, trong đó có ít nhất 5 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.
Năm 2025, đội ngũ viên chức của trường phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định của Đảng và Nhà nước. Trong đó, lãnh đạo trường có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn, trong đó hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn có trình độ tiến sĩ; trưởng, phó các phòng, khoa có trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Đến năm 2030, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tiên tiến; có khả năng tổ chức, quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của trường, nhất là quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Trường phấn đấu đến năm 2030 có 100% viên chức được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại, nâng cao hiệu quả các mặt công tác; có ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ văn minh, hiện đại.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: Trường tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thống nhất ở cấp tỉnh chỉ có một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất là Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
“Trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Song song đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thịnh cho biết thêm.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngày 24/10/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng hoạt động Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã kịp thời quán triệt, nghiêm túc triển khai các nội dung của Đề án. Từ năm 2015 đến nay, Trường luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu mở lớp hằng năm được Tỉnh ủy An Giang phê duyệt, chất lượng hoạt động của Trường ngày càng được nâng cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ giảng viên, song Trường đã không ngừng đổi mới, phát triển; mở rộng quy mô, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đi đôi với nâng cao chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công tác cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh An Giang.