Nâng cao chất lượng các trường chính trị tỉnh - Bài 1: Phát huy tính chủ động của học viên

Việc học tập chính trị tại các trường chính trị tỉnh nói chung và ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hiện nay là rất cần thiết.

Chú thích ảnh
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang. Ảnh: angiang.gov.vn

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã khẳng định: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.

Do vậy, việc học tập chính trị tại các trường chính trị tỉnh nói chung và ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là rất cần thiết. Cùng với việc tổ chức các lớp học của các trường chính trị tỉnh đóng vai trò then chốt, ý thức tự học, tự bồi dưỡng lý luận chính trị của học viên cũng không kém phần quan trọng.

Chưa tự thân học tập

Tại một số trường chính trị tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên không xác định được mục đích, động cơ đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị còn diễn ra. Những học viên này học chính trị không vì mục đích tự thân mà vì nhiều lý do khác nhau, có thể để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm...

Động cơ học tập không trong sáng dẫn đến chất lượng, hiệu quả học tập không cao. Nhiều người ngại đọc những cuốn sách, tập giáo trình, nhất là tài liệu lý luận chính trị vốn trừu tượng, khô khan nhưng chậm được đổi mới trong biên soạn, cập nhật kiến thức. Niềm say mê, hứng thú nghiên cứu lý luận chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên do đó cũng bị suy giảm nhiều.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, đối tượng tham gia học tập tại các trường chính trị hiện nay là những người đương chức nên hình thức học là vừa học vừa làm. Điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng học tập vì ngoài việc đến lớp nghe giảng, học viên đồng thời phải về cơ quan để giải quyết công việc. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số học viên thiếu tập trung khi theo học trên lớp, hoặc làm việc riêng hay "cúp cua" về cơ quan làm việc.

Ngoài ra, do công việc chiếm hết thời gian, học viên khó có điều kiện để tự nghiên cứu sâu tài liệu, dẫn đến chất lượng tiếp thu các chuyên đề không cao. Những điều này vô hình trung làm nảy sinh tình trạng học để đối phó, học để "trả nợ" hay để có đủ bằng cấp nhằm hợp thức hóa cho việc bổ nhiệm.

Thạc sĩ Dương Thị Bích Thủy, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang, cho biết đội ngũ giảng viên đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng nhiều học viên còn quen với việc thụ động trong tiếp nhận thông tin, tri thức nên chất lượng các buổi lên lớp chưa thật sự có kết quả cao như mong muốn. Bài giảng của giảng viên đều có phần định hướng tự học cho học viên nhưng nhiều khi học viên chỉ thực hiện một cách sơ sài, chiếu lệ.

Thực tế ở trường chính trị tỉnh cho thấy, dù giảng viên có kiến thức uyên thâm đến đâu, phương pháp giảng dạy hay đến mấy nhưng học viên không chịu đầu tư thời gian, không có sự lao động của cá nhân, không có niềm khát khao với tri thức, không có sự say mê học tập, không có kế hoạch và phương pháp học tập hợp lý, không tự giác tích cực trong học tập thì việc học tập không thể đạt kết quả cao.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Hành chính khu vực IV chỉ ra thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ chưa có ý thức cao khi tham gia học tập lý luận chính trị. Khi học tập, họ chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải nghiên cứu sâu, hiểu rõ từng vấn đề để sau khi học tập về địa phương, đơn vị áp dụng trong thực tế.

Nâng cao nhận thức

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập lý luận là một việc làm cấp thiết hiện nay, từ đó tạo tính chủ động nghiên cứu, học tập chính trị trong mỗi người. Đó là tạo sự chuyển biến về nhận thức, về quyết tâm học tập của mỗi cán bộ, đảng viên khi được địa phương, cơ quan, đơn vị cử đi học. Chính cán bộ, đảng viên phải là người nhận thức sâu sắc vai trò và tâm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị. Có như thế mới chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu sâu để đạt kết quả cao nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức học tập lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân mình.

Thạc sĩ Dương Thị Bích Thủy, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang cho rằng, để phát huy ý thức tự học, học viên cũng như giảng viên cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể. Để quá trình tự học đạt được hiệu quả cao nhất, học viên cần tự xác định mục tiêu, yêu cầu của từng môn học, từng bài học, từng nội dung, kỹ năng, thái độ; tự xác định trình độ, phẩm chất hiện có của bản thân đối chiếu với mục tiêu đào tạo để có kế hoạch phấn đấu học tập. Đồng thời cần có kế hoạch, lựa chọn phương pháp tự học phù hợp nhất và tự kiểm tra, đánh giá quá trình tự học của mình.

Các giảng viên cần tạo ra các phương pháp sư phạm, các phương tiện thuận lợi cho việc tự học của học viên. Cùng với đó, giảng viên cần tăng cường các hình thức dạy học nhóm, trao đổi thảo luận, để học viên nêu lên chính kiến. Điều này sẽ buộc học viên phải nghiên cứu tài liệu, phân tích, mổ xẻ vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau, tham gia đóng góp, tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình.

Để định hướng cho học viên vạch ra kế hoạch tự học của cá nhân, giảng viên cần đề ra kế hoạch dạy học cụ thể toàn bộ học phần hoặc từng bài; cung cấp trước cho học viên nghiên cứu để biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào trong quá trình học tập bộ môn. Cùng với đó, giảng viên cần kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của học viên, qua đó cung cấp thêm thông tin cho giảng viên để điều chỉnh việc hướng dẫn tự học cho học viên.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mộng, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh thấy rằng, để khuyến khích học viên tích cực thi đua học tập và rèn luyện cần thường xuyên phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện đối với học viên; nâng cao vai trò của chủ nhiệm lớp, đề ra tiêu chuẩn cụ thể đối với chủ nhiệm lớp cho phù hợp với đặc thù của trường chính trị.

Cùng với đó là đánh giá nghiêm túc, khách quan quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của học viên, chấm điểm chuyên cần và kiến nghị với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đưa vào tính điểm cuối khóa, vì điểm chuyên cần sẽ đánh giá việc chấp hành thời gian học tập, nội quy, quy chế của trường và tinh thần học tập trong lớp của học viên.

Giảng viên thường xuyên đánh giá và xếp loại học viên, có thể mỗi tháng một lần đối với lớp đào tạo hệ tập trung, hai tháng một lần đối với các lớp đào tạo hệ tại chức. Đồng thời, trường có cơ chế khen thưởng cụ thể để động viên kịp thời, khuyến khích học viên thi đua học tập, rèn luyện. Các hình thức khen thưởng cần đề cập cả phương diện tinh thần và vật chất; kết quả thi đua phải được sử dụng là tiêu chí đánh giá xếp loại cuối khóa.

Bài 2: Đổi mới phương pháp giảng dạy

Phạm Duy Khương (TTXVN)
Nâng cao chất lượng các trường chính trị tỉnh - Bài cuối: Gắn lý luận với thực tiễn
Nâng cao chất lượng các trường chính trị tỉnh - Bài cuối: Gắn lý luận với thực tiễn

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo cán bộ phải “thiết thực, sao cho người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN