Mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (22/3)

Sáng 21/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (23/3) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ mít tinh. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

 

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức chuỗi các sự kiện truyền thông hưởng ứng Ngày nước thế giới, thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hợp tác vì nước sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện điều kiện sống và các cơ hội giáo dục, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, góp phần vào thực hiện thành công những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Đồng thời, hợp tác vì nước để tạo ra những lợi thế kinh tế; duy trì và cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác vì nước để xây dựng hòa bình khu vực và thế giới, giúp các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia vượt qua những khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội cùng nhau xây dựng niềm tin.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam nằm ở hạ lưu của 2 con sông quốc tế quan trọng là sông Hồng và sông Mê Công. Do 2/3 lượng nước ở Việt Nam được sản sinh từ các nước láng giềng chảy vào hai con sông này; do vậy việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn nước xuyên biên giới được xem là nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các quốc gia ở phía thượng lưu hãy hợp tác và cùng chia sẻ với Việt Nam để các dòng sông liên quốc gia trở thành dòng sông hòa bình và mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả các nước trong lưu vực.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam luôn tự hào là cái nôi của nền văn minh lúa nước, là một trong những quốc gia cung ứng nông sản lớn trên thế giới. Sản xuất lúa nước đòi hỏi phải đảm bảo đủ nước, đồng thời nhu cầu sử dụng nước cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông thủy… ngày càng tăng. Việc đảm bảo đủ nguồn nước theo yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và thời gian có vai trò quyết định đối với sự thịnh vượng của mỗi khu vực và phát triển bền vững của mỗi ngành.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi mỗi cá nhân, đoàn thể, tổ chức, mỗi ngành, mỗi địa phương trong cả nước hãy nỗ lực hành động, phát huy các sáng kiến trong khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu các rủi ro do hạn hán và lũ lụt, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống xâm nhập mặn và nước biển dâng... qua đó góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.

 

Thúc đẩy hợp tác Á - Âu về nguồn nước


Ngày 21/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo ASEM “Quản lý nước và lưu vực sông - cách tiếp cận tăng trưởng xanh” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày nước sạch thế giới năm 2013 và cũng là dịp để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ, tham gia của quốc tế, đặc biệt là các thành viên trong ASEM đối với hợp tác Mê Công.


Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các thách thức liên quan đến nguồn nước đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Song ngày nay các thách thức này đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết. Trước hết, đó là vì nguồn nước tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của từng quốc gia, từng người dân. Sự gia tăng nhanh chóng dân số thế giới đang làm cho nhu cầu chính yếu về nước, lương thực và năng lượng tăng lên mạnh mẽ.


Theo dự báo đến năm 2025, chúng ta sẽ phải đối mặt với khả năng 1,8 tỉ người dân sống tại khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước.


Thứ hai, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Hiện tượng toàn cầu ấm lên đã và đang làm thay đổi thời tiết và các hệ sinh thái, dẫn đến những diễn biến thiên tai bất thường với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng.


Thứ ba, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề môi trường chưa được coi trọng thỏa đáng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.


“Chỉ có chung tay hành động mạnh mẽ ngay từ ngày hôm nay, chúng ta mới có thể hạn chế và ngăn ngừa được những thách thức như đã dự báo. Thực tiễn cho thấy, việc bảo vệ tài nguyên nước đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để hợp tác, hơn là tạo ra tranh chấp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.


Để đóng góp thiết thực vào chương trình nghị sự của Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề lớn như: xác định nội hàm và phương thức quản lý tài nguyên nước trong chiến lược tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững nếu có cách tiếp cận dài hạn, toàn diện và đa ngành, đặt trong chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của từng quốc gia, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.


Vấn đề thứ hai là, chúng ta có thể làm gì để hợp tác bảo vệ nguồn nước giữa hai châu lục trở nên thiết thực hơn. Về vấn đề này, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEM cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc hỗ trợ và kết nối các chương trình tiểu vùng, khu vực mà các thành viên đang triển khai trong lĩnh vực này.
Vấn đề thứ ba là, chúng ta cần đề ra các định hướng cho hành động và đóng góp của ASEM đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn nước, trước mắt là đối với Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương về nước vào tháng 5 tới tại Chiềng Mai và Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nước vào tháng 10 tại Buđapét.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, qua trao đổi, đối thoại trên tinh thần xây dựng và đối tác bình đẳng sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến nguồn nước, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân về kinh tế và phát triển. Đây chính là biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu “kiến tạo mối quan hệ đối tác Á - Âu mới, tăng cường hiểu biết sâu sắc giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”, khẳng định vai trò và vị thế của ASEM trong cục diện đang định hình.

 

Cần Thơ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư


Chiều 21/3, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, Cần Thơ phát huy mạnh mẽ hơn nữa những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém nhằm tiếp tục đưa Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị của vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ đã phấn đấu, nỗ lực, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả khá toàn diện. Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cần Thơ cần tăng cường huy động và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư thông qua các hình thức đầu tư, trong đó tập trung mạnh vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch... Tiếp tục quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông - thủy sản. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đổi mới giống cây trồng vật nuôi, mở rộng vùng lúa “cánh đồng mẫu lớn”, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, với thị trường nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hàm lượng công nghệ trong công nghiệp chế biến.

 

Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN