Lao vào điểm nóng để ghi lại tội ác của giặc

Cùng với những phóng viên viết, trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có một đội ngũ đông đảo các phóng viên ảnh tỏa đi khắp các chiến trường, đặc biệt là những “điểm nóng” để ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm Mỹ sử dụng B52 ném bom Hà Nội cuối năm 1972, những phóng viên ảnh TTXVN cũng có mặt ở nhiều nơi địch đánh ác liệt để chụp ảnh.


Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi đã gặp gỡ nhà báo Chu Chí Thành, phóng viên ảnh TTXVN tác nghiệp trong những ngày B52 trút bom xuống Hà Nội.


Pháo thủ Phan Tuấn Thi, khẩu đội 4, phân đội 2 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô (1972).Ảnh: Chu Chí Thành


Trong căn phòng khách rộng rãi của ngôi nhà trên phố Minh Khai (Hà Nội), nhà báo Chu Chí Thành xúc động kể cho chúng tôi nghe những gì ông được tận mắt chứng kiến trong quá trình tác nghiệp 12 ngày đêm cuối năm 1972.


Mở đầu câu chuyện, nhà báo Chu Chí Thành kể: “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên B52 Mỹ ném bom xuống Hà Nội. Hôm đó là tối 18/12/1972, tôi đang chụp ảnh cho một cuộc họp báo ở 37 Hùng Vương thì nghe tiếng ù ù từ xa, rồi thấy bầu trời Hà Nội sáng rực bởi tên lửa, cao xạ bắn lên. Tất cả mọi người dự họp báo đều xuống hầm trú ẩn. Lúc đó, B52 đã đánh ra Hà Nội, nhưng chủ yếu là ở mạn Đông Anh, Yên Viên. Ngay sau đó tôi về cơ quan thì được lệnh cùng một số anh em sang Yên Viên chụp ảnh, lấy tin tức. Từ hôm đó, ban ngày thì máy bay tiêm kích, các trận địa cao xạ, đêm thì B52 quần đảo trên bầu trời Hà Nội. Các phóng viên ảnh, tin của TTXVN thay nhau trực 24/24 giờ để sẵn sàng tác nghiệp.


“Anh em phóng viên chúng tôi chia nhau ra để đi vào các trận địa cao xạ trong nội thành và quanh Hà Nội chụp ảnh. Có hôm tôi ở sân Hàng Đẫy, có hôm lại lên đường Thanh Niên, chỗ bán đảo hồ Trúc Bạch, có hôm sang Yên Viên… Những bức ảnh chúng tôi chụp chủ yếu là ảnh quân và dân ta chiến đấu kiên cường, ảnh chụp những máy bay Mỹ rơi, bắt được giặc lái… Bên cạnh đó là những bức ảnh chụp những nơi bị bom Mỹ tàn phá...”.


Khu trung tâm Bệnh viện Bạch Mai sáng sớm ngày 22/12/1972 sau trận bom B52 của Mỹ.Ảnh: Chu Chí Thành


Theo lời ông Thành, thời đó, TTXVN thường gửi ảnh ra nước ngoài theo đường telephoto, vừa là tuyên truyền về việc nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng như thế nào, vừa là để tố cáo tội ác của địch đến với bạn bè quốc tế.


Trong suốt 12 ngày đêm lăn lộn ở nhiều trận địa, nhiều nơi chụp ảnh, nhưng có lẽ lần đi chụp ở Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên sau trận bom rải thảm đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc nhất, nhưng cũng đau thương nhất. Ông trầm ngâm kể lại: “4 giờ sáng ngày 22/12, Mỹ ném bom xuống Bệnh viện Bạch Mai. Ngay khi trời sáng rõ, tôi nhận lệnh đến Bệnh viện Bạch Mai chụp ảnh. Khi tôi đến nơi, thấy cả tòa nhà trung tâm bệnh viện bị sập. Các lực lượng từ công an, bộ đội, dân quân, bác sỹ, y tá… đều lao vào khắc phục, cứu những người mắc kẹt. Và tôi chứng kiến một cảnh tượng vô cùng thương tâm, đó là để mở đường, người ta phải tháo khớp của những người đã chết, để lấy chỗ kéo người bị thương ra. Lần khác là khi tôi đến chụp ảnh khu phố Khâm Thiên vào sáng 27/12. Khi tôi tới hiện trường, nhìn thấy dãy quan tài xếp hàng dài trên đường phố. Cả khu phố Khâm Thiên hầu như bị san phẳng. Những người sống sót đang đi nhặt nhạnh từng cái bát, cái mâm, những đồ dùng còn sót lại trong gia đình sau trận bom, trông thương lắm. Đi đến Cống Trắng, tôi nhìn thấy một phụ nữ, đầu đội chiếc khăn rằn, vai đeo súng, đang rảo những bước chân vội vã trên đống đổ nát. Hỏi ra mới biết đêm qua cô trực chiến, biết khu phố nhà mình bị ném bom, sáng ra vừa hết ca trực, cô vội vã trở về xem nhà mình ra sao…”.


Còn một hình ảnh nữa khiến ông nhớ mãi cho đến tận bây giờ, đó là hình ảnh một viên phi công Mỹ chết bên cạnh xác máy bay rơi ở cánh đồng Định Công đêm 26/12. Khi ông cùng đồng nghiệp đến nơi để chụp xác chiếc máy bay rơi, ông nhìn thấy trong chiếc túi cá nhân của viên phi công Mỹ rơi ra từ buồng lái có tấm hình một phụ nữ và một em bé. Có lẽ đó là vợ và con của viên phi công đã chết.


Người vợ trẻ trung, xinh đẹp, đứa con có lẽ chưa đầy một tuổi trông rất dễ thương. “Khoảnh khắc ấy, trong lòng tôi trào dâng nỗi xót xa. Tôi thầm nghĩ, nếu người lính ấy không tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa này, có lẽ anh ta đang sống rất hạnh cùng vợ con, chứ không phải phơi xác nơi đất khách quê người ngay tại chính nơi anh ta gây tội ác như vậy”, ông Thành nhớ lại.


Phương tiện đi lại của các phóng viên thời đó thường là xe đạp, nhưng nhiều lúc không có cả xe thì phải chạy bộ. Thỉnh thoảng cũng được đi ô tô, nhất là khi đi chụp xa. “Lãnh đạo cơ quan thường dặn anh em chúng tôi, khi tác nghiệp cần phải bảo đảm an toàn, không chỉ để bảo vệ tính mạng mình mà còn là để thực hiện được nhiệm vụ. Nhưng nào có ai chịu nghe đâu. Cứ thấy máy bay là chúng tôi lại lao ra, tìm chỗ nào cao nhất, góc nào thoáng nhất để chụp được những bức ảnh tốt nhất. Nhiều khi đang ngồi ở cơ quan, nghe tiếng còi báo động, mọi người chạy xuống hầm trú ẩn thì các phóng viên ảnh lại chạy ngược lên gác thượng, tìm vị trí thuận tiện nhất để chụp ảnh. Cũng chính trong một lần như vậy mà anh Lâm Hồng Long đã chụp được bức ảnh rất giá trị, đó là khoảnh khắc máy bay B52 bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội đấy” - nhà báo Chu Chí Thành hào hứng kể.


Những phóng viên ảnh thời chiến tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng họ cũng là những người rất dũng cảm, sẵn sàng lao vào những nơi bom đạn để lưu lại những bằng chứng tố cáo tội ác của giặc Mỹ với thế giới, thể hiện tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta. “Chúng tôi đều biết mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng ai nấy đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.


Khi được hỏi: “Điều gì khiến cho những phóng viên ảnh không ngần ngại lao vào những nơi bom đạn ấy?”, ông Thành trả lời ngay: “Khi ấy, cả Hà Nội đang bừng bừng khí thế, tinh thần quyết chiến rất cao. Ta cũng thường xuyên tổ chức những cuộc họp báo để công bố danh sách phi công, số máy bay Mỹ bị bắn rơi. Mọi góc phố, nhà máy, công trường, cơ quan... luôn luôn sẵn sàng, tình người yêu thương gắn bó. Nơi nào có công việc, nơi nào cần sự giúp đỡ là mọi người sẵn sàng lao vào hỗ trợ giải quyết, không ngần ngại. Trong không khí ấy, người phóng viên như chúng tôi cũng thấy vững vàng, tự tin nên không hề có cảm giác sợ hãi, thậm chí còn rất yêu đời. Tôi còn nhớ phóng viên Minh Lộc, hôm nào cũng mua một bó hoa ở Ngọc Hà về cắm trên bàn làm việc…”.



Phương Lan

Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa
Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa

Đêm 27/12/1972, một chiếc máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn hạ, rơi xuống hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN