Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ khai giảng năm học mới 2012 - 2013 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh. Cùng dự lễ khai giảng có các đồng chí Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng và những thành tích của ngành giáo dục và đào tạo cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, trong đó có sự cố gắng và thành tích xuất sắc của thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt được trong những năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến nay, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển rất đáng trân trọng. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000) và giáo dục trung học cơ sở (năm 2010), đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Quản lý nhà nước về giáo dục có chuyển biến tích cực. Công bằng xã hội trong giáo dục và giáo dục ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết tốt. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nội dung và phương pháp giảng dạy có nhiều tiến bộ; ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên chăm ngoan, học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta từ 16% năm 2000 lên trên 40% vào năm 2010, đóng góp thiết thực vào tiến trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Nội dung giáo dục còn thiên về lý thuyết, nặng về “ dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người”; chương trình, phương pháp dạy và học chậm được đổi mới. Cơ sở vật chất trong nhiều trường học còn thiếu, lạc hậu và sử dụng kém hiệu quả. Một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục và đào tạo chậm được khắc phục từ khâu tuyển sinh đến dạy học, thi cử, cấp bằng, lạm thu gây bức xúc xã hội.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm học 2012-2013 là năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; trong đó, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Toàn ngành giáo dục cần tập trung làm tốt một số nội dung: Quan tâm xây dựng tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cả về số lượng và chất lượng gắn với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện dạy chữ gắn với dạy người; quan tâm rèn kỹ năng tự học, tính tự lập, tích cực, chủ động sáng tạo, phát triển tư duy trong học tập, tạo thói quen nghiên cứu, ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho học sinh. Nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, trong đó triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ sẽ làm hết sức mình, đồng thời yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương trong cả nuớc phải luôn quan tâm chăm lo và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.
lSáng 4/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai giảng năm học mới 2012-2013 tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần dạy tốt học tốt, không ngừng trau dồi đạo đức, chuyên môn, phấn đấu vươn lên của thầy và trò, xứng đáng với bề dày thành tích mà bao thế hệ thầy và trò trường THPT Chu Văn An đã xây dựng. Với truyền thống xây dựng và trưởng thành hơn một thế kỷ qua - mang đậm dấu ấn lịch sử, tiền thân là Trường Bưởi, nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành những nhân sĩ, trí thức, các nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển, Phan Anh...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Sự nghiệp giáo dục-đào tạo là vô cùng quan trọng, mỗi thầy, cô giáo có sứ mệnh thiêng liêng và lớn lao cùng gánh vác sự nghiệp. Phó Thủ tướng chỉ rõ: Trong năm học này, ngành giáo dục Thủ đô cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính là: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, toàn diện, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục cả về số lượng lẫn chất lượng; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học; phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa. Riêng đối với trường THPT Chu Văn An, cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, phối hợp tốt giữa dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, ý chí vươn lên trong học tập, kỹ năng sống...
lTại Hòa Bình, sáng 4/9, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dự lễ khai giảng năm học mới cùng thầy và trò trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, thành phố Hòa Bình. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhiệt liệt chúc mừng ngành giáo dục và đào tạo tỉnh miền núi Hòa Bình đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người, mới đây đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trong toàn tỉnh. Phó Chủ tịch nước biểu dương những thành tích mà thầy và trò trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đạt được, xứng đáng là ngôi trường mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Phó Chủ tịch nước nhắc nhở nhà trường tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động, kiên quyết ngăn chặn, không để tệ nạn xã hội thâm nhập vào học đường. Là một trường chuyên, nhưng nhà trường phải giáo dục toàn diện các bộ môn văn hóa và thể chất.
TTN