Lực lượng chức năng dùng máy xúc để đào chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh chôn lấp tại trang trại ông Lê Quang Hòa, tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Phan Quân/TTXVN |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong kết quả phân tích, để đảm bảo mang tính đại diện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu tại 3 nơi chôn lấp chất thải. Việc lấy mẫu, thu gom, xử lý để đảm bảo không tiếp tục tác động môi trường. Có một số mẫu cho thấy nồng độ chất xyanua vượt quá chỉ tiêu cho phép, xếp vào diện chất thải nguy hại.
Theo quy định, nơi nào có chất thải có hàm lượng chất này theo qui định thì phải xử lý như đối với chất thải nguy hại. Cơ quan chức năng đã lấy 3 mẫu đất đánh giá khả năng tác động môi trường thì rất may việc chôn lấp này được phát hiện sớm nên chất độc chưa ngấm ra ngoài môi trường. Đất tại những nơi có chất chôn lấp vẫn đảm bảo các chỉ số đủ an toàn.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, 390 tấn chất thải được coi là chất thải nguy hại. Được biết trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có đơn vị nào được cấp phép để xử lý chất thải như thế này. Theo đó, Bộ trưởng TN&MT cho rằng việc này phải do Trung ương cấp phép để xử lý các chất thải có trong danh mục nguy hại vì chứa xyanua. Phương án thường dùng là đốt, tiêu huỷ, đến khi chất bùn thải không còn chất độc xyanua nữa mới được coi là an toàn với môi trường.
“Lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo kiểm điểm vì nói gì thì nói đây cũng là thiếu sót rất lớn của cơ quan quản lý địa phương. Chúng tôi đang kiểm kê lại toàn bộ chất thải từ Formosa, thông qua số còn tồn đọng trong nhà máy, số đã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý để xem còn lượng chất thải nào đang bị cố tình đổ ra môi trường không đúng quy định không”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ TN&MT sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đã chuyển cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ xem hoạt động này đã được tiến hành thế nào và mức độ sai phạm đến đâu. Việc Formosa chuyển chất thải cho đơn vị không đủ năng lực xử lý cũng là một trách nhiệm của chủ nguồn thải.
Bộ TN&MT đã rất thận trọng trong việc phân tích, với 2-3 phòng thí nghiệm cùng tham gia, kiểm chứng để xử lý theo đúng mức độ hành vi vi phạm. Bộ đã yêu cầu ngay lúc này thực hiện kiểm kê chất thải. Từ bể thông thường đến bể chất thải nguy hại đều coi là nguồn thải nguy hại để có giải pháp vận chuyển, xử lý phù hợp.
Formosa cũng được yêu cầu báo cáo trực tiếp với Bộ TN&MT về diễn biến sự việc, Bộ đã đưa 2 phòng thì nghiệm di động đến để kiểm soát tất cả vấn đề xả thải của Formosa.
Cái khó trong việc này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện chưa thu hút được doanh nghiệp môi trường đủ năng lực vào hoạt động tại Hà Tĩnh, tại Kỳ Anh cũng như cụ thể là Formosa.