Thảo luận tại phiên họp, Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, dự thảo Luật đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản, đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các nội dung của dự án luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu Trần Thị Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các dự án luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin...
Tại Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân, bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là một nội dung mới được quy định trong dự thảo luật này.
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) góp ý đối với nội dung tại khoản 3, Điều 8, quy định hành vi bị nghiêm cấm là “Hủy trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa hành vi này ra khỏi dự thảo Luật để tránh trùng lặp, vì tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật đã quy định hành vi bị nghiêm cấm là hủy trái phép tài liệu.
Về thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, tại khoản 6, Điều 36 dự thảo Luật quy định: “Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật…”. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa thành: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai giải pháp về bảo mật, xác thực trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ của các cơ quan Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ”.
Về trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tại khoản 1, Điều 39 của dự thảo Luật quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức; người đứng đầu lưu trữ lịch sử và cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng lập hồ sơ đề nghị công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Tuy nhiên, để thống nhất chủ thể và áp dụng luật thuận lợi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc làm rõ cụm từ “cộng đồng” trong trường hợp này.
Liên quan đến nội dung về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu cho biết, qua nghiên cứu điểm b, khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật quy định những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ có nội dung: “Đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Đại biểu cho rằng, quy định này còn có điểm chưa thống nhất với khoản 3, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính là “biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Để bảo đảm tính thống nhất quy định về việc “đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính”, đại biểu Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 56 dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cho phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.