Trong phiên họp sáng, với 468/468 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Trước Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định; phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch nước mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Cử nhân Kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.
Cuối phiên họp sáng, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.
Trong phiên họp chiều, với 462/466 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Phạm Minh Chính.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông nhận thức sâu sắc rằng, Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. “Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các nhiệm kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Ông Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958, quê quán Thanh Hóa; là Tiến sỹ Luật học, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương khóa XII; đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV.
Cuối phiên họp chiều, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước; nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình miễn nhiệm một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiếm toán Nhà nước.