Xử lý nhiều cán bộ cấp cao phạm tội
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đã giải quyết những điểm nóng về an ninh, trật tự do các đối tượng phản động kích động, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao có hành vi phạm tội, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phạm tội…
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra chỉ rõ: Số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội tăng (1.187 người chết, tăng 1,63%; tội phạm hiếp dâm tăng 7,11%, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tăng 2,18%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội). Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ án có sự tiếp tay và tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an. Điển hình là vụ án Công ty CNC tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài với gần 43 triệu tài khoản tham gia, tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.853 tỷ đồng, thu giữ trên 1.760 tỷ đồng; khởi tố điều tra, làm rõ 105 bị can về các tội danh liên quan, trong đó có cả sự tham gia, tiếp tay của một số sỹ quan cấp cao của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Bên cạnh đó, một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để mua, bán, chuyển nhượng tài sản công với giá rẻ không qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của Nhà nước. Một số vụ vi phạm về quản lý nhà nước về đất đai kéo dài trong nhiều năm đến nay mới được phát hiện, xử lý.
Thêm vào đó, tình hình an ninh, trật tự tại một số tỉnh, thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật diễn ra phổ biến, công khai; nghi phạm sẵn sàng chống trả quyết liệt, gây tâm lý bất an cho người dân. Cụ thể, vụ năm “hiệp sĩ” bị một nhóm trộm cắp tài sản đâm chết và bị thương ngày 13/5/2018 tại TP Hồ Chí Minh hay vụ Trần Ngọc Danh, Lê Minh Hữu Nghĩa cướp giật tài sản, đâm trọng thương hai người dân truy đuổi ngày 29/5/2018 tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh)...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất rất cao, kéo theo tình trạng siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng việc đấu tranh, ngăn chặn vẫn chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã xảy ra từ nhiều năm trước, được Ủy ban Tư pháp kiến nghị từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để và đang có dấu hiệu diễn biến trầm trọng hơn.
Hoàn thiện các dự án luật để phòng ngừa tham nhũng
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Phòng, chống tham nhũng đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác này. Theo đó, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đáng chú ý, tình trạng “Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương…
Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2019, Chính phủ đề ra một loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. “Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Báo cáo của Chính phủ mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, chưa có giải pháp để tháo gỡ, chấn chỉnh triệt để tình trạng dư thừa cấp phó, tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định gây hoài nghi trong dư luận. Việc thực hiện, xác minh kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý…
Đẩy mạnh phát hiện “tham nhũng vặt”
Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao các báo cáo đặc biệt là báo cáo của ngành Công an. Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri, nhân dân đánh giá cao về nghiệp vụ của ngành Công an, thời gian qua đã phá các vụ án ma túy lớn, các vụ án giết người nghiêm trọng… Bên cạnh đó, công tác sắp xếp cơ cấu, tổ chức, bộ máy của ngành cũng nhận được sự quan tâm và hoan nghênh của cử tri cả nước; qua đó cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân của toàn ngành.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, người dân cũng quan tâm đến việc công khai kết quả các vụ án tham nhũng, các vụ án tồn đọng nhiều năm nhưng thời gian qua đã được tháo gỡ. Số lượng kết luận thanh tra và việc thực hiện các kết luận thanh tra đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm, rà soát.
Liên quan đến nạn “tham nhũng vặt”, các báo cáo chỉ rõ: “Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn có hiệu quả…”. Đồng tình với nhận định này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, hàng ngày người dân giao dịch với cán bộ, công chức thì vẫn thường xuyên bị nhũng nhiễu, gây phiền hà. “Tại sao tham nhũng vặt như vậy người ngoài biết được nhưng nội bộ không biết? Hiện tượng tham nhũng tinh vi, biến tướng, nhưng tại sao người dân vẫn biết được?”, bà Hải nói và đề nghị đẩy mạnh công tác phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, có biện pháp xử lý quyết liệt; nếu không tình trạng “tham nhũng vặt” sẽ ăn mòn như những "ổ mối trong các công trình vĩ đại".
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đánh giá cao các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá thực chất cả ưu điểm, khuyết điểm. Điểm nổi bật là tội phạm trong năm 2018 được kiềm chế và thuyên giảm, nhất là tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình hình tội phạm nguy hiểm với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại nhiều địa phương khiến cử tri rất lo lắng. Trong khi đó, các địa phương vẫn còn lúng túng, bị động, chưa quyết liệt. Qua những vụ án này cũng đặt ra vấn đề quan hệ gia đình, đạo đức xã hội, các giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận định, công tác này đã có chuyển biến tích cực nhưng sự đồng bộ và tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành, tỉnh, thành cần được quan tâm hơn nữa. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đánh giá ở Trung ương có chuyển biến tốt và mạnh, nhưng ở địa phương thì chưa thực sự chuyển động, còn thực trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Đại biểu Nguyễn Thái Học chỉ rõ, trên thực tế một số cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, có tình trạng nể nang, né tránh, cần có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh tình trạng này.
Nhiều đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là đất đai, nhà tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.