Khởi công Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng

Sáng 14/4, tại huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) – Hợp phần A.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Hải Phòng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế loại IA, trong đó khu bến Lạch Huyện là khu bến đặc biệt quan trọng. Dự án cũng nằm trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút khởi công. Ảnh: Đức Tám - TTXVN.


Quy hoạch chi tiết Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được hoàn tất sau thời gian 9 năm chuẩn bị, bao gồm 4 năm nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, 3 năm nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt dự án và 2 năm thực hiện công tác thiết kế chi tiết, đấu thầu. Dự án được xây dựng từ phía Nam cửa Lạch Huyện, trên địa bàn huyện đảo Cát Hải – TP. Hải Phòng, dọc tuyến luồng vào cảng hiện tại đến độ sâu tự nhiên -3,0m với tổng chiều dài tuyến bến khoảng gần 8.000m; chiều dài toàn bộ tuyến luồng khoảng 18km với đáy luồng tàu -14m.

Theo thiết kế, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp đồng bộ và hiện đại có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn từ 4000 - 6000 TEU và lên đến 8.000 TEU (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa). Công trình gồm hai hợp phần: Hợp phần A do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư; Hợp phần B do liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Nhật Bản làm chủ đầu tư.

Hợp phần A bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cảng trong các giai đoạn (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng dài 3.230 m với cao trình đỉnh đê +6,5 CD, đê chắn cát dài 7.600 m với cao trình đỉnh đê +2,0 CD, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất yếu,...). Tổng mức đầu tư khoảng 18.627 tỷ đồng, nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước do Cục Hàng hải Việt Nam làm Chủ đầu tư. Trong hợp phần B, Dự án sẽ được đầu tư xây dựng 2 bến tổng chiều dài 750 m, trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, cho tàu container trọng tải đến 100.000 tấn. Tổng mức đầu tư khoảng 6.572 tỷ đồng.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2016) sẽ góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển; kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

Sau khi đi vào hoạt động, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (không phải trung chuyển qua các cảng trung chuyển tại khu vực như Singapore, Hồng Kông); góp phần thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khởi công. Ảnh: Đức Tám - TTXVN.


Phát biểu tại Lễ khởi công, nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của Chiến lược phát triển kinh tế biển Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển lâu dài của Hải Phòng và khu vực trong bối cảnh Cảng Hải Phòng đã lâm vào tình trạng quá tải, vượt công suất thiết kế, làm chậm chễ, tăng chi phí xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa, thu hút đầu tư. Dự án sẽ đem lại hiệu quả mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng và khu vực.

Ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các đơn vị liên quan trong chuẩn bị thủ tục đầu tư, chuẩn bị khởi công Dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam với tinh thần trách nhiệm cao nhất cần chỉ đạo triển khai thực hiện các gói thầu để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Thành phố Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án cũng như kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh; làm tốt tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự trên địa bàn… Các nhà thầu, đơn vị thi công phải thực hiện đúng pháp luật, tuân thủ các cam kết trong hợp đồng, đảm bảo thi công theo đúng thiết kế được phê duyệt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nhà thầu Nhật Bản bằng kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý và thi công các dự án quốc tế, thực hiện đúng các cam kết đã ký, nỗ lực hoàn thành gói thầu với chất lượng và tiến độ cao nhất để sớm đưa dự án vào sử dụng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trân trọng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Tổ chức JICA trong việc hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho Dự án; tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản sắp tới, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Quang Vũ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp khách

Ngày 12/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á (OCA), Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia (ANOC) Sheik Ahmad Al - Fahad Al - Sabah.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN