Vậy Chính phủ kiến tạo được hiểu ra sao, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế như thế nào và đâu là những giải pháp để đạt mục tiêu xây dựng Nhà nước kiến tạo?
Để hiểu rõ những vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định “Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển”. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất và khái niệm này. Ông có thể giải thích một cách ngắn gọn nhất?
Khái niệm Nhà nước kiến tạo cần đặt song song với khái niệm Nhà nước điều hành. Khi Thủ tướng nói chuyển từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo nghĩa là hai khái niệm phải có những điểm khác nhau.
Sự khác nhau ở chỗ, nếu là Nhà nước điều hành thì Nhà nước sẽ chủ yếu tập trung vấn đề thực thi các quy định, chính sách đã có sẵn. Còn khi Nhà nước kiến tạo thì ngoài vấn đề thực thi các quy định, chính sách đã có sẵn, Nhà nước còn phải tập trung ưu tiên vào các vấn đề như xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách.
Tôi muốn lấy một hình ảnh để hình dung rõ hơn cho vấn đề này. Đó là chúng ta hình dung quốc gia như một con thuyền. Ở mô hình Nhà nước kiến tạo, vị trí cầm chèo lái con thuyền chính là Nhà nước. Vị trí này không thể thay đổi được vì người chèo lái con tàu là để “trông gió bỏ buồm”, để vượt qua phong ba bão táp và để định vị con đường mà đã đặt ra trước đó.
Theo ông vai trò của Nhà nước trong mô hình này và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, giữa nhà nước với doanh nghiệp như thế nào?
Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cần đặt trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Đây là mối quan hệ chân kiềng. Đầu tiên là mối quan hệ xã hội. Ở đây tôi chỉ nói về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Trong mối quan hệ này, nhà nước phải không can thiệp vào thị trường mà chỉ thúc đẩy cho thị trường phát triển.
Nhà nước phải xây dựng được một môi trường cạnh tranh, công bằng, bền vững. Nhà nước phải xây dựng được môi trường mà ở đó “cá lớn” không được “nuốt cá bé”, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển.
Ở mối quan hệ này, khi cần thiết nhà nước sẽ dùng công cụ chính sách khắc phục khó khăn, khiếm khuyết của thị trường nhưng chủ yếu dùng là công cụ, chính sách chứ không sử dụng nguồn lực của nhà nước để làm thay công việc sản xuất và kinh doanh của thị trường.
Mục tiêu trở thành chính phủ kiến tạo phát triển là một bước tiến đáng kể, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng. Theo ông, chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn gì khi tiến tới mục tiêu Nhà nước kiến tạo?
Theo tôi có ba thách thức lớn sau. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là thách thức về mặt tư duy, làm sao đổi mới tư duy. Đây là vấn đề khó, vì một số bộ phận cán bộ công chức hiện nay vẫn còn nghĩ nhà nước này là nhà nước cai trị và mức độ nhẹ hơn thì coi là nhà nước quản lý.
Thách thức thứ hai, theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại, nhiều chính sách tốt nhưng thực thi rất yếu.
Thách thức thứ 3 đến từ sự cộng hưởng từ phía xã hội để thúc đẩy, để phản biện góp ý, tăng cường giám sát hoạt động của Nhà nước.
Nếu không vượt qua ba thách thức này thì xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo chỉ là khẩu hiệu và sáo rỗng.
Mô hình Nhà nước kiến tạo đã tạo nên sự thần kỳ của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như sự phát triển ấn tượng của một số nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Theo ông, Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ các nước đã thực hiện thành công đi trước?
Chúng ta cần phải học là từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đó là bài học sau khi đã xác định được chiến lược phát triển quốc gia thì tập trung nỗ lực để làm được chiến lược đó thành công. Không có chuyện lừng chừng, ba phải.
Điển hình như sự phát triển ngành thép của Hàn Quốc. Hàn quốc đã tập trung để đưa ngành thép cũng như ngành công nghiệp đóng tàu thành ngành mũi nhọn của họ. Hay chiến lược phát triển công nghiệp của Nhật Bản, một khi đã lựa chọn thì họ sẽ dồn toàn bộ sức lực để làm việc đó.
Trong những trường hợp như vậy, thì khả năng huy động sự tham gia của công chúng, điều đó hết sức cần thiết, đặc biệt với Việt Nam hiện nay. Việt Nam cũng đã từng xây dựng chiến lược trong quá khứ, những chiến lược kinh tế của chúng ta thường bị những chuyên gia gọi là chiến lược “quả mít”, tức đâu cũng là mũi nhọn, nhưng chỉ là mũi nhọn mà không tập trung vào một mũi nhọn cụ thể nào.
Theo ông, những yếu tố nào quyết định đến việc thực hiện thành công mô hình Nhà nước kiến tạo?
Những quốc gia thành công xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo trên là những quốc gia đã xây dựng trên một triết lý gọi là “khả năng dung hợp”. Triết lý này gắn liền với khả năng kiến tạo của nhà nước. Bởi nói cho cùng, kiến tạo là tập hợp được những “tinh hoa” của xã hội, của quốc gia tham gia hoạch định chiến lược phát triển cho đất nước.
Nhưng nếu không có nền tảng triết lý “khả năng dung hợp” để tập trung các tinh hoa của xã hội thì rất khó định ra được chiến lược phát triển cho đất nước và hiện thực hóa chiến lược đó.
Có doanh nghiệp từng ví von rằng “điều hành kinh tế đất nước như bản nhạc giao hưởng, Thủ tướng là nhạc trưởng, cơ quan chức năng là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ. Điều quan trọng là điều hành làm sao có bản nhạc hay và phối hợp nhịp nhàng. Ông bình luận gì về ví von này?
Đây là hình ảnh so sánh rất đẹp. Tôi chia sẻ thêm rằng, không chỉ nhạc trưởng là Thủ tướng mà vấn đề là của cả Nhà nước và bộ máy của nhà nước. Doanh nghiệp cũng không chỉ đơn thuần là các ca sĩ mà còn là những người góp ý để bổ sung cho “bản nhạc” đó có sức sống. Và chúng ta thường bỏ sót vai trò của người dân trong bản nhạc đó. Bản nhạc hay hay dở sẽ quyết định việc người dân có tiếp tục ngồi lại để “thưởng thức” nó tiếp hay không.
Tôi vẫn muốn sử dụng sự ví von sát thực hơn giữa Nhà nước và thị trường như là “con thuyền” và “người chéo lái” như đã đề cập ở trên.
Xin cảm ơn ông!