Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu nguyên lãnh đạo cấp cao Chính phủ, các quan chức và chuyên gia của Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và đối tác, đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế tại Hà Nội.
Một số quan chức cao cấp và học giả từ Brunei, Indonesia, Lào, Singapore, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Phó Tổng Thư ký kiêm Thư ký Điều hành của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) và Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cũng dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng của Hiệp hội từ một khởi đầu khiêm tốn, từng bước lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, hạt nhân của đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực, là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc, trung tâm chính trị - kinh tế trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong suốt chặng đường đó, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển của ASEAN, nhất là trong những thời khắc quan trọng, tạo ra những dấu mốc của ASEAN như hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thúc đẩy, cụ thể hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, xây dựng Hiến chương ASEAN, góp phần phát huy vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN.
Trong phần tham luận, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định quyết định gia nhập ASEAN 25 năm trước đã đưa đến kết quả “cùng thắng” cho cả Việt Nam và ASEAN. Với ASEAN, đó là bước khởi đầu để quy tụ toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, mở đường xóa bỏ nghị kỵ, đối đầu, chuyển sang hòa bình, hợp tác. Với Việt Nam, đây là nấc thang đầu tiên để Việt Nam “tập dượt” hội nhập với thế giới.
Các tham luận tại Hội thảo cho rằng, ASEAN đã phát triển vượt bậc sau 53 năm thành lập, trở thành mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân và các nền kinh tế năng động với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỷ USD. Với những mốc son như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) hình thành cùng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với hàng loạt các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, ASEAN đã đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong ASEAN, với nhiều dấu ấn, nổi bật là hiện thực hóa ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á, tạo dựng văn hóa đối thoại và hợp tác trong khu vực, mở rộng sự tham gia của các đối tác bên ngoài vào xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Đồng thời, Việt Nam còn tham gia xây dựng, củng cố và phát triển các quy tắc ứng xử, quy định về hành vi của các nước khi tham gia hợp tác khu vực.
Nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để ASEAN phát triển trong bối cảnh nhiều thách thức đa dạng nảy sinh như biến động địa - chiến lược, cạnh tranh nước lớn, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải… và hiện nay là sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, ASEAN cần tận dụng những cơ hội thông qua xử lý các thách thức. Gắn kết trong hành động, chủ động trong tiếp cận, linh hoạt trong ứng xử là chìa khóa để ASEAN duy trì vai trò trung tâm, xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, phồn vinh.
Một số đại biểu khẳng định ASEAN cần trở thành một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực, chủ động vào việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại. Tuy nhiên, trên tinh thần Cộng đồng, các nước ASEAN không thể bỏ qua các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề cập tới những hệ lụy của đại dịch COVID-19, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm xử lý tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 một cách toàn diện, có hệ thống và có sự điều phối hiệu quả. Có như vậy, ASEAN mới giải quyết được những hệ lụy nghiêm trọng của COVID-19 như mất việc làm, nghèo đói, gia tăng khoảng cách phát triển…
Định hướng phát triển của ASEAN cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các phát biểu đều nhấn mạnh, ASEAN cần tập trung vào những vấn đề như phục hồi đời sống kinh tế - xã hội trước tác động của đại dịch COVID-19, thích ứng với sự thay đổi về sản xuất, thương mại, đầu tư cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng trước áp lực cạnh tranh nước lớn đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung.
Để thực hiện được mục tiêu này, ASEAN cần hỗ trợ phát triển hợp tác trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện mạng lưới an ninh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm phục hồi kinh tế xanh… Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục khẳng định sự độc lập trong cách tiếp cận, cân bằng trong quan hệ, hài hòa trong giải quyết các lợi ích đa dạng của các bên khi tham gia hợp tác khu vực.
Đáng chú ý, một số đại biểu cũng cho rằng tạo ra một thị trường thống nhất dựa trên nền tảng sản xuất chung chính là một công cụ phù hợp để ASEAN đón đầu, thích ứng, tận dụng những cơ hội do những thay đổi của môi trường khu vực đem lại.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, vừa tái hiện bức tranh chân thực, khách quan về quá trình phát triển của ASEAN và hành trình 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Hội thảo đã gợi mở những định hướng lớn cho ASEAN và cho Việt Nam trong chặng đường tiếp theo hướng tới một Cộng đồng gắn kết, thích ứng, liên kết chặt chẽ, lấy người dân làm trung tâm, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh cho Đông Nam Á nói riêng, đóng vai trò trung tâm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.