Hội thảo quốc tế về tăng cường quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

Trong hai ngày 26 - 27/7, tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở trung tâm thủ đô của Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ cùng phối hợp với Bảo tàng tưởng niệm Nehru đã tổ chức Hội thảo quốc tế về tăng cường quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Suresh Prabhu, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao V. K. Singh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu của Ấn Độ và Việt Nam cùng giới báo chí nước sở tại.

Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Bình/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết Việt Nam và Ấn Độ đã quyết định nâng cấp quan hệ lên thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modiới Việt Nam hồi đầu tháng 9/2016. Lãnh đạo hai nước đã cùng tuyên bố hợp tác kinh tế là một trong 5 trụ cột trong mối quan hệ có ý nghĩa chiến lược này. Trong các chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ hồi đầu năm nay, các nhà lãnh đạo hai nước cũng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020 đạt mức thương mại song phương là 15 tỷ USD.

Đại sứ Tôn Sinh Thành lạc quan hai nước sẽ đạt được mục tiêu trên vì 3 lý do: Thứ nhất, Ấn Độ và Việt Nam có nền tảng quan hệ chính trị rất vững chắc, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tiếp đó, nền kinh tế của Ấn Độ và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nên tạo ra nhiều nhu cầu hợp tác kinh tế. Lý do cuối cùng là trong vài năm qua, hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Thương mại song phương trong năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD, tăng 42% so với năm trước. Trong nửa đầu năm 2018, giá trị thương mại song phương đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,44 tỷ USD và nếu xu hướng tăng trưởng này được duy trì thì thương mại giữa hai nước có thể đạt 11 tỷ USD.

Đại sứ cho biết thêm việc ngày càng có nhiều sản phẩm chế tạo được giao dịch giữa hai nước cho thấy xu hướng tích cực trong tăng cường mô hình chuỗi cung ứng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Về đầu tư, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ vào Việt Nam cũng rất ấn tượng khi giá trị tích lũy tính từ đầu năm tới tháng 6/2018 đã đạt 875,7 triệu USD trong 190 dự án, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Ấn Độ đang là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Ấn Độ.

Về du lịch, kể từ năm 2010, số lượt du khách Ấn Độ tới Việt Nam đã tăng trung bình 17%/năm và những năm gần đây đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh. Trong năm 2016 và 2017, con số này đã tăng trưởng 30%, từ 85.000 lên 110.000 lượt người. Dự kiến sẽ có 150.000 lượt người Ấn Độ sẽ tới Việt Nam trong năm nay trong khi 70.000 lượt người Việt Nam sẽ tới Ấn Độ.

Tuy nhiên, Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng nhận định đây mới chỉ là khởi đầu của con đường hợp tác kinh tế giữa hai nước vì vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng chưa được đánh thức và khai thác. Thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn so với tổng mức thương mại 425 tỷ USD của Việt Nam và 781 tỷ USD của Ấn Độ trong năm ngoái và chiếm chưa đầy 10% thương mại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Trung bình 144 triệu USD giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam mỗi năm còn quá nhỏ so với mức trung bình hàng năm là hơn 40 tỷ USD mà Ấn Độ đầu tư ra thế giới.

Đại sứ nhấn mạnh du lịch cũng là lĩnh vực cần được cải thiện. Trong số 22 triệu lượt người Ấn Độ du lịch nước ngoài thì chỉ có 110.000 lượt người tới Việt Nam trong khi có 3,5 triệu lượt người tới khu vực Đông Nam Á và 1,6 triệu lượt người tới Thái Lan. Và đó là lý do cuộc hội thảo lần này được mong chờ có thể đưa ra những phân tích sâu nhằm giúp Việt Nam và Ấn Độ có thể thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch song phương, qua đó trở thành đối tác lớn hơn của nhau trong phát triển kinh tế.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. K. Singh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Bình/TTXVN

Về phần mình, Quốc vụ khanh V. K. Singh cho rằng vẫn còn tiềm năng rất lớn để tăng cường hợp tác giữa hai nước như trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, dầu khí, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, du lịch, dệt may, da, khai thác khoáng sản, v.v...

Trong khi đó, Bộ trưởng Prabhu cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước ASEAN và Ấn Độ đánh giá cao những tương đồng về văn hóa và tôn giáo giữa hai nước. Ông cho rằng chính sách "Hành động hướng Đông" do Thủ tướng Modi khởi xướng đã mở ra cánh cửa để khai thác tiềm năng to lớn giữa hai nước để phục vụ sự tăng trưởng của cả hai bên.

Ông Prabhu cho hay Ấn Độ và Việt Nam giữ những vị trí chủ chốt trong khu vực xét cả về thương mại, kinh tế, chính trị và an ninh. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam là nước có khả năng tạo thuận lợi cho mối quan hệ đang phát triển của Ấn Độ với phần còn lại của ASEAN với trọng tâm là chính sách "Hành động hướng Đông". Cả hai nước có mối quan hệ kinh tế sâu rộng trong lĩnh vực thăm dò dầu khí, nông nghiệp, chế tạo, quốc phòng và mới đây nhất là dịch vụ - một lĩnh vực là đầu tàu tăng trưởng mới trong thương mại toàn cầu.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huy Bình/TTXVN

Các đại biểu tham dự hội thảo thảo luận theo các chủ đề như Thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam: Các vấn đề và triển vọng; Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và phát triển giữa Ấn Độ và Việt Nam; Hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Việt Nam; Tìm hiểu thực tiễn kinh tế Ấn Độ - Việt Nam và văn hóa kinh doanh; Cải thiện trong chuỗi giá trị gia tăng khu vực Ấn Độ - Việt Nam; Cơ chế Sản xuất tại Ấn Độ và những cơ hội cho Việt Nam; Hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam trong bối cảnh các thỏa thuận và quan hệ đối tác thương mại; Kết nối khu vực và những triển vọng kinh tế trong kết nối nhân dân; Những thách thức và cơ hội trong hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức
Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong ngành dệt may
Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong ngành dệt may

Dệt may là lĩnh vực được ưu tiên hợp tác, phát triển trong việc thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN