Lễ tặng hoa chúc mừng các tân Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN |
Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, diễn ra từ 11 - 13/7/2017, đã thông qua 9 nghị quyết và kiện toàn nhân sự UBND thành phố.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Tài chính và ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố khóa XV. HĐND thành phố cũng bầu bổ sung một Ủy viên UBND thành phố Hải Phòng khóa XV.
Kỳ họp đã thông qua 9 nghị quyết gồm: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2017 thực hiện trong 6 tháng cuối năm; Phê chuẩn quyết toán ngân sách thành phố năm 2016; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2018 lần 1; Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) thành phố Hải Phòng; Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình giám sát năm 2018 của HĐND thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành: 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã đạt được những kết quả toàn diện mang tính đột phá. Các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 13,26%, gấp 2,3 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước 5,75%); thu ngân sách đạt gần 35 nghìn tỷ đồng; đời sống nhân dân được cải thiện. Hải Phòng được Chính phủ đánh giá tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017.
* Sau 3 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVIII, nhiệm
kỳ 2016 - 2021 đã thảo luận và thông qua nhiều nội dung chuyên đề quan
trọng như: Quy định một số mức chi đảm bảo hoạt động ban chỉ đạo phòng
chống gian lận thương mại; quy định mức thu ty lệ % để lại cho cơ quan
thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt; quy định giá dịch
vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ bảo hiểm y tế
trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước…
Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN |
Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung vào 7 nhóm giải pháp, như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt triển khai tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm, tạo các quỹ mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình thương mại, du lịch trọng điểm...
6 tháng đầu năm, kinh tế trong tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá hiện hành) đạt 21.000 tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước đạt 2.702,4 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ; hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình, dự án quan trọng...
* Ngày 13/7, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế (khóa VI) họp kỳ thứ 4 đã xác
định các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2017,
trọng tâm là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh
doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý quy
hoạch và xây dựng cơ bản; quản lý tốt tài chính ngân sách; phát triển
các lĩnh vực văn hóa, trọng tâm là xây dựng thành phố Huế - thành phố
Fesstival, thành phố văn hóa ASEAN và thành phố xanh quốc gia; đẩy mạnh
cải cách hành chính công; quản lý tốt tài nguyên và môi trường, thích
nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế (khóa VI) họp kỳ thứ 4. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Năm 2017, tiếp tục là "Năm doanh nghiệp", Thừa Thiên - Huế tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tỉnh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore thu hút 150 doanh nghiệp tham dự; thực hiện các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư về triển khai hạ tầng điện, nước, giao thông tại các khu công nghiệp. Bên cạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tỉnh tổ chức di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tập trung.
Tỉnh tập trung hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, hoàn thành đồ án mở rộng đô thị Huế, đô thị di sản Huế; ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư các tuyến giao thông chính kết nối Huế với các đô thị vệ tinh, vùng kinh tế động lực; tập trung đẩy nhanh dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thực hiện kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, nhất là vào các tháng cuối năm thường diễn ra mưa bão.
6 tháng qua, kinh tế, xã hội tỉnh có bước tăng trưởng thuộc nhóm tốt trong khu vực miền Trung, GDP đạt mức tăng trưởng 7,44%; thu ngân sách đạt trên 3.308 tỷ đồng, tăng gần 15% so cùng kỳ. Toàn tỉnh thành lập mới 324 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 3.770 tỷ đồng; thu hút 21 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
* Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua 22 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết về: Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2017 của tỉnh; đề nghị thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020); việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn; ban hành một số chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; quy định mức học phí từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021 tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và bổ sung đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2017, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất mục tiêu tổng quát cho 6 tháng cuối năm 2017 gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Các vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận là tình hình thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu thuế; tìm kiếm giải pháp để phát triển bền vững thị trường nông sản; tháo bỏ rào cản trong thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản; nâng cao y đức...
* Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra trong 2 ngày 12-13/7, HĐND tỉnh Phú Yên khóa
VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 xác định: Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017, tỉnh tập trung một số giải pháp
trọng tâm như: Đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp;
đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu; thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, du lịch của tỉnh, để thu hút du
khách đến với Phú Yên. Tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chương
trình, chính sách đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng công tác giải quyết
việc làm, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công tác xóa nhà ở tạm cho hộ
nghèo và gia đình chính sách.
Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa VII. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN |
Kỳ họp cũng thông qua 22 Nghị quyết liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, nhờ tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt các nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh ổn định và có một số mặt phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) là 6,03% (kế hoạch 7,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 66 triệu USD (tăng 30% so cùng kỳ); thu ngân sách trên địa bàn 1.720 tỉ đồng (tăng 27% so cùng kỳ)...
* Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã
thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã
hội, quốc phòng, an ninh của địa phương những tháng cuối năm 2017 và
thời gian tới như: Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng,
an ninh 6 tháng cuối năm 2017; Nghị quyết về quy định nội dung chi, mức
kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quy định
mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và lệ phí
đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Những tháng cuối năm 2017, HĐND tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; phối hợp đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành và các địa phương giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và ý kiến của cử tri cũng như thực hiện những kiến nghị, kết luận qua giám sát của thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, tham gia giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, nghị quyết HĐND và việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh, trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2017, có 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 6 chỉ tiêu đạt trên 80%, 9 chỉ tiêu đạt trên 50% và 2 chỉ tiêu đạt gần 50% kế hoạch.