Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Hoàn thiện chính sách, tạo đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ số

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phiên họp cho ý kiến về nhiều vấn đề như hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, quy định tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quy định về công nghiệp bán dẫn, quy định về trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tính khả thi, kiểm soát rủi ro và phát triển các lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo đúng chủ trương của Đảng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; một số cơ chế, chính sách ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Nghiên cứu các quy định về tài sản số, trí tuệ nhân tạo

Đề cập một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phối hợp, nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW; nghiêm túc thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các Công thư số 15, số 17 của Chủ tịch Quốc hội.

Đề cập về tài sản số (Điều 13 và Điều 14), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo Luật. Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về trí tuệ nhân tạo (Điều 54 và Điều 55), có ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, phạm vi tác động lớn, bổ sung quy định về hạn chế rủi ro và các nguyên tắc quản lý rủi ro; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn về vấn đề quản lý rủi ro. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quan điểm xây dựng quy định quản lý về trí tuệ nhân tạo trong dự thảo Luật dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro đồng thời khuyến khích phát triển, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc quản lý này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Một số cơ chế, chính sách ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 57

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nêu rõ, dự thảo Luật đã đưa ra một số cơ chế, chính sách ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 57. Cụ thể là, xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để ưu đãi đặc biệt cho công nghệ số trọng điểm, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho những nội dung mới như tài sản số, AI; khuyến khích đổi mới sáng tạo và loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. Đặc biệt là có những chính sách ưu đãi cho việc chế tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Việt Nam để giúp chúng ta từng bước tự chủ được về công nghệ.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật đã đề ra 3 nhóm chính sách ưu đãi đặc biệt. Ưu đãi cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, như: ưu đãi cấp thị thực dài nhất cho những nguồn nhân lực chất lượng cao, hay miễn giấy phép lao động, miễn thuế thu nhập cá nhân, những chính sách về tín dụng, học bổng cho sinh viên. Ưu đãi cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, Nhà nước sẽ bố trí kinh phí từ lĩnh vực khoa học, công nghệ và từ ngân sách để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm. Ưu đãi cho doanh nghiệp, có chính sách tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn... đầu tư vào Việt Nam.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết số 57 là Nghị quyết hết sức quan trọng. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được soạn thảo và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trước thời điểm Nghị quyết số 57 được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải dự kiến khi Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới thì sẽ điều chỉnh những nội dung nào để bảo đảm thật sự đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ số.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành phải đi vào thực hiện Nghị quyết số 57; tính toán, làm rõ từ nay đến năm 2030, năm 2045, phải làm chủ công nghệ chiến lược như thế nào để phát triển đất nước; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số.

Xuân Tùng (TTXVN)
Thủ tướng: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
Thủ tướng: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất

Chiều 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ Tám của Ban Chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN