Đối ngoại quốc phòng - bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trên cơ sở xây dựng lòng tin 

Vượt qua những khó khăn, rào cản trong năm 2020, đối ngoại - hợp tác quốc phòng đã trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, ghi dấu sự tin cậy cao trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò là một trong những trụ cột trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đối ngoại quốc phòng không chỉ đơn thuần là công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng hay của quân đội, mà còn liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam và an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới. Vượt qua những khó khăn, rào cản trong năm 2020, đối ngoại - hợp tác quốc phòng đã trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, ghi dấu sự tin cậy cao trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò là một trong những trụ cột trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thưa Thượng tướng, 2020 là năm có nhiều biến động, trong bối cảnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng đã gặp những thuận lợi, thách thức như thế nào?

Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ. Thuận lợi cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự đó là chúng ta đã có đà trong 4 năm đầu nhiệm kỳ. Trong 4 năm đó chúng ta đã có được sự lãnh đạo rất thường xuyên, chặt chẽ của Đảng; sự hỗ trợ, điều hành của Chính phủ và đạt nhiều thành tích.

Tuy nhiên, nếu nhìn khái quát thì cũng như những ngành khác, năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức với quân sự quốc phòng, không chỉ do đại dịch COVID-19, nhưng đại dịch COVID-19 là đặc điểm quan trọng nhất, làm cho thế giới ngưng trệ, không một lĩnh vực, châu lục hay quốc gia nào tránh khỏi ảnh hưởng. 

Nhìn trên bình diện quốc gia, Việt Nam đã chống chọi rất tốt với dịch COVID-19. Đến nay, đất nước ta về cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng vẫn đặt ra những nhiệm vụ nặng nề. Đối với Quân đội, đó là nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch với những chức năng, nhiệm vụ như khử trùng tiêu độc, canh gác biên giới, chống xuất nhập cảnh lậu, đảm bảo cho những khu cách ly với số lượng hàng trăm nghìn người, các hoạt động về quân y...

Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, không được để nhiệm vụ này bị cản trở bởi dịch COVID-19. Nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ bình yên cho đất nước. Chúng ta đã bảo vệ chặt chẽ chủ quyền biên giới, biển đảo, vùng trời để đất nước bình an, hòa bình, tập trung chống dịch COVID-19 cũng như duy trì phát triển kinh tế. 

Tuy có dịch COVID-19 nhưng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu không được buông lơi bất kỳ giây phút nào. Đặc thù của Quân đội là sự sinh hoạt tập thể. Môi trường như thế rất dễ bị lây nhiễm nhưng chúng ta đã đảm bảo các đơn vị tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu rất tốt, không bị dịch COVID-19 cản trở. Ngoài ra còn nhiều kết quả trên các lĩnh vực khác, song có thể nói năm 2020 toàn quân đã đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, không để một đơn vị nào ngưng trệ, “đóng băng” các hoạt động do dịch bệnh. 

Là một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước, mục tiêu của đối ngoại quốc phòng là thiết lập, phát triển quan hệ về quốc phòng với các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng. Thượng tướng có thể khái quát những kết quả nổi bật của quốc phòng Việt Nam những năm qua trên lĩnh vực này? Thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để mở rộng, nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương và đa phương, thưa Thượng tướng?

Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận của đối ngoại Nhà nước. Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin. Lực lượng quân sự là lực lượng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong thời bình thì đây lại là lực lượng rất đặc biệt bảo vệ hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia bằng sự hợp tác, cam kết không sử dụng vũ lực trong mọi vấn đề trong quan hệ quốc tế. Chính vì đặc trưng đó, những năm gần đây không chỉ nước ta mà tất cả các nước trên thế giới rất quan tâm đến lĩnh vực đối ngoại quốc phòng.

Trong văn kiện của Đảng đã nêu rõ là chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, cụ thể là bảo vệ bằng biện pháp hòa bình trong thời bình. Trong nội hàm bảo vệ Tổ quốc, ngoài bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân còn có bảo vệ hòa bình, do đó Quân đội phải tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong hoạt động đối ngoại, đầu tiên chúng ta quan tâm tới quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc để có mối quan hệ thuận hòa, đặc biệt là đường biên giới ổn định, hòa bình. Nếu biên giới không ổn định, hòa bình thì đất nước không thể phát triển. Chúng ta đã duy trì được điều đó ở đường biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ, đó chính là phên dậu, động lực, cơ sở để đất nước ổn định, hợp tác, phát triển. Ở Biển Đông, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn khái quát lại chúng ta vẫn giữ được những gì mà chúng ta đang giữ và chúng ta không buông, không dừng công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động hòa bình trên biển như dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch... vẫn được phát triển. 

Trong quan hệ với các nước lớn cũng như các nước có lợi ích liên quan đến Việt Nam, đến nay chúng ta đã có quan hệ về mặt quốc phòng quân sự với hơn 80 quốc gia trên thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng song phương của Việt Nam dựa trên nguyên tắc là phải có nội dung thực chất, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Về quan hệ đa phương, trong những năm qua hợp tác quốc phòng có những bước tiến vượt bậc. Hoạt động quốc phòng quân sự của Việt Nam trong ASEAN rất nổi bật. Không chỉ dừng ở ASEAN, năm 2019, chúng ta chính thức ký hợp tác và là thành viên đối tác của Liên minh châu Âu (EU) về mặt quốc phòng quân sự. Năm 2020, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hợp tác kinh tế, đầu tư với những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh hợp tác với Liên minh châu Âu, Việt Nam tăng cường hoạt động ở môi trường Liên hợp quốc, cụ thể là chúng ta đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn châu Phi. Năm 2020 là năm đặc biệt khi lần đầu tiên hai sĩ quan Việt Nam trúng tuyển vào cơ quan tham mưu chiến lược của Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc. Đây cũng là lần đầu tiên cán bộ Nhà nước của Việt Nam thi được vào cơ quan Liên hợp quốc. Điều này rất thuận lợi cho chúng ta trong việc triển khai các hoạt động, song quan trọng hơn là đã thể hiện đánh giá tích cực của Liên hợp quốc về vai trò của Việt Nam.

Năm 2020 cũng có thể nói là năm tỏa sáng của nữ sĩ quan Việt Nam. Hiện tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của chúng ta khoảng 17%, cao nhất trong tất cả các nước trên thế giới. Liên hợp quốc phân công nhiệm vụ không có sự phân biệt giữa nam và nữ, không có sự đánh giá ưu tiên cho nữ, song tất cả những nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Một nữ Trung tá của Việt Nam đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc tặng Bằng khen vì những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn phái bộ. Liên hợp quốc đánh giá rất cao ý tưởng, tinh thần trách nhiệm, khả năng truyền cảm hứng của nữ sĩ quan ấy với cộng đồng. 

Năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò kép là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, cũng là năm Việt Nam chủ trì nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng. Thượng tướng đánh giá như thế nào về đóng góp của các hoạt động đối ngoại quốc phòng trong việc nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới? 

Từ khi chuẩn bị bước vào năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các ngành chuẩn bị kế hoạch Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như kế hoạch hoạt động với tư cách là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có quốc phòng. Đã có nhiều kế hoạch hứa hẹn với những nội dung đặt ra yêu cầu rất cao nhằm tạo nên sự bứt phá về mặt vị thế của đất nước cũng như tiếng nói trên trường quốc tế, tuy nhiên ngay đầu năm chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phải tính toán lại toàn bộ nội dung công việc. 

Về quốc phòng, ngay từ khi có dịch COVID-19, Bộ Quốc phòng đã xác định phải chuyển toàn bộ các hoạt động sang thích ứng với tình hình dịch bệnh kéo dài, như họp trực tuyến, điều chỉnh lại các kế hoạch; xác định dù có dịch COVID-19 nhưng vẫn giữ nguyên các nội dung hợp tác quốc tế về đối ngoại với cả ASEAN và Liên hợp quốc, duy trì tốt hoạt động gìn giữ hòa bình, không rút quân...

Ở thời điểm gần cuối năm 2020, có thể nói tất cả những hoạt động về đối ngoại quân sự quốc phòng do Việt Nam chuẩn bị đều được hoàn thành tốt về mặt nội dung. Gần đây nhất chúng ta tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) với sự tham gia của 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác và 5 nước khách mời đều là những nước lớn. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng tất cả các nước, dù trong điều kiện khó khăn về sự chênh lệch múi giờ. 

Những nội dung được thảo luận tại Hội nghị rất bổ ích cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước nhưng cũng tạo được sự đồng thuận của tất cả các nước, điều đó là vô cùng khó trong bối cảnh sự cọ xát chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn đang rất gay gắt. Để đi đến thỏa thuận giữa các nước lớn về những vấn đề Việt Nam nêu ra là không hề dễ dàng, song chúng ta đã làm được. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ về tầm nhìn chiến lược an ninh. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm Hội nghị ADMM+ ra được tuyên bố chung với những nội dung như vấn đề Biển Đông, cam kết không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình, tôn trọng thể chế chính trị của nhau... Đây là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng là dấu ấn góp phần khẳng định vị thế đất nước, vị trí địa chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua để các nước lớn chấp nhận thỏa thuận, không đứng ngoài sân chơi. 

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chụp ảnh chung trước khi lên máy bay sang Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bên cạnh đó, hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao với sự tham gia của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ở Nam Sudan và rất nhiều sĩ quan ở các phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Với đặc thù công tác, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam vừa phải đảm bảo không bị lây nhiễm, đồng thời vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh cho các bệnh nhân cách ly nghi mắc COVID-19. 

Một vấn đề nữa trong đối ngoại là việc giao lưu. Trong bối cảnh dịch COVID-19, ngoài các cuộc họp trực tuyến thì làm thế nào để duy trì giao lưu, đặc biệt là tiếp xúc ở khu vực biên giới để giữ quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, “khóa chặt” biên giới song vẫn giữ được hòa khí, không để xảy ra lây nhiễm giữa hai bên cũng là một vấn đề khó khăn... Đó là những điều chúng ta vượt qua trong bối cảnh dịch COVID-19 mà tôi nghĩ đã đóng góp phần nào cho vai trò chủ nhà của Việt Nam năm 2020 trong ASEAN.

Xin Thượng tướng cho biết nhận định về tình hình an ninh quốc phòng trên thế giới nói chung trong năm tới? Việt Nam nên thực hiện đường hướng nào để vừa thích ứng được với những diễn biến mới của tình hình, vừa tăng cường được sức mạnh quốc phòng, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong năm 2021, thưa Thượng tướng?

Tôi cho rằng tình hình năm 2021 vẫn theo xu hướng của những năm vừa qua, đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng hơn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sự cạnh tranh chiến lược ngày càng đổ về châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn. Đứng trong vòng xoáy đó, tôi nghĩ chúng ta phải tích cực đẩy mạnh quan hệ quốc phòng, chủ động đưa ra “luật chơi”, không ngồi chờ động thái từ các nước, nhất là các nước lớn. Đặc biệt, các nước lớn khi tham gia phải tôn trọng luật lệ ở khu vực ASEAN. 

Bên cạnh quan hệ đa phương như đã đề cập, Việt Nam cần tiếp tục coi trọng quan hệ song phương, nhất là với những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc; những nước bạn bè cũ như Nga, Cuba, những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... Mối quan hệ với những quốc gia đó phục vụ rất đắc lực cho sự phát triển kinh tế. Hợp tác quốc phòng cần được đẩy mạnh để tăng sự tin cậy, phát triển kinh tế - xã hội đất nước trên cơ sở hợp tác quốc tế. 

Một lĩnh vực nữa mà đối ngoại quốc phòng phải cố gắng hơn là khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, do Chính phủ điều hành nhưng giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì. Trong hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác quốc tế rất quan trọng để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ, truyền thông... Đó là những việc năm 2021 cần tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn. 

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Hiền Hạnh/TTXVN (thực hiện)
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Campuchia
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Campuchia

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ngài Chay Navuth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia và Đại tá Rem Kan, Tùy viên Quân sự Campuchia tại Việt Nam nhân dịp mới nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN