Đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Sau 5 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Qua đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN

Phát hay vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội

Thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác. Từ năm 2018, Ủy ban MTTQ các cấp đã hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, làm rõ hơn vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và của từng tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát, qua đó phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực để thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nền nếp. MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội, nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hàng năm.

Việc góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất được quan tâm hơn; gắn giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến nhân dân, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tại các Kỳ họp Quốc hội, thông báo xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp trình tại các kỳ họp của HĐND có nhiều đổi mới, được các cấp và nhân dân quan tâm, đánh giá cao.

Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước...

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc, trong đó cấp tỉnh là 4.093 cuộc, năm sau nhiều hơn năm trước; cấp huyện là 22.679 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, chủ trì giám sát được 466.012 cuộc.

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến hết tháng 9/2018, địa phương có số văn bản phản biện nhiều nhất là thành phố Hà Nội với 7.560 văn bản, tiếp đó là Đồng Tháp với 5.015 văn bản phản biện và thấp nhất là Điện Biên, Hà Nam, mỗi tỉnh tổ chức được một hội nghị phản biện xã hội của cấp tỉnh. Đến nay, 100% cấp tỉnh trong cả nước đã triển khai hoạt động phản biện xã hội; một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa triển khai hoạt động phản biện xã hội.

Sau 5 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức 82. 865 cuộc phản biện xã hội, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phản biện xã hội được 4.048 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được 15.064 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phản biện xã hội được 63.753 cuộc.

47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận định: Quyết định 217, 218 được xem là cơ sở cần thiết, quan trọng để cụ thể hóa quyền, trách nhiệm về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam.

Nhờ có cơ chế khá đầy đủ, toàn diện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt; vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên.

Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị của Ủy ban Mặt trận MTTQ Việt Nam các cấp vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, quy định còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội; việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa thống nhất, chưa đúng bản chất của hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 4 hình thức giám sát, 3 hình thức phản biện cho phù hợp với từng nội dung giám sát, phản biện.

Trình độ, năng lực cán bộ tham mưu công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế, chất lượng các văn bản kiến nghị giám sát, phản biện xã hội còn chưa bảo đảm, nhiều nơi còn hình thức, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền phổ biến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ở một số địa phương chưa được chú trọng.

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, kể cả cán bộ làm công tác Mặt trận chưa hiểu công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, toàn diện.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đòi hỏi cán bộ, công chức phải có chuyên môn sâu, am hiểu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sâu sắc, trong khi số lượng và chất lượng của cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận chưa tương xứng...

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát từ cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thành Lưu cho biết, các nội dung giám sát không nên thực hiện dàn trải, phải xác định được trọng tâm, trọng điểm, rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Để thực hiện tốt công tác giám sát từ cơ sở, cần có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm; phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả, không "đánh trống bỏ dùi".

Theo ông Vũ Thành Lưu, trước khi giám sát phải tiến hành thu thập thông tin, khi cần thiết có thể tổ chức khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình một cách cụ thể chính xác, nắm chắc đối tượng cần giám sát để có ý kiến, kiến nghị cụ thể, sắc nét, thuyết phục; liên hệ với cơ quan chức năng, chuyên gia ở lĩnh vực mình giám sát để nắm thêm tình hình, cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho việc kiến nghị.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Dương Cao Thanh kiến nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu và có chỉ đạo cụ thể hóa nội dung, thể chế hóa về cơ chế công tác phản biện xã hội, đặc biệt là phản biện xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; luật pháp hóa những nội dung về phản biện xã hội làm căn cứ pháp lý để MTTQ các cấp tiến hành phản biện xã hội nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xem đây là phương thức quan trọng để Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng lưu ý MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và chủ động trong việc vận động nhân dân; tăng cường phối hợp trong hệ thống chính trị để nâng cao sức mạnh của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện từ khâu nghiên cứu, lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, phản biện, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, né tránh những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân.

Đặc biệt, cần quan tâm đến những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống nhân dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được đông đảo người dân quan tâm; nâng cao tính khả thi của các đề xuất, kiến nghị, tăng sự tin cậy của Đảng, chính quyền, nhân dân đối với các hoạt động này.

Phúc Hằng (TTXVN)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN