Trong phiên trả lời chất vấn ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh) đã nhận được 24 lượt chất vấn liên quan tới những vấn đề bức thiết của người dân như: sinh viên ra trường chưa có việc làm, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng, đào tạo nghề nông thôn, nợ đọng bảo hiểm xã hội…Đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầuĐại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu câu hỏi về hiệu quả của hệ thống đào tạo nghề, có trường không có người học, học ra lại không đáp ứng được yêu cầu?
Bộ trưởng cho biết, hiện tại, ở các huyện đã có các trung tâm đào tạo thường xuyên, trường nghề. Theo quyết định 1956 của Chính phủ, phải đầu tư các trung tâm để đào tạo nghề ở các huyện, dựa trên yêu cầu của từng tỉnh, từng ngành, Nhà nước hỗ trợ huyện kinh phí từ 7 - 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng các trung tâm này hiệu quả chưa cao. Do vậy, tháng 9/2014, Chính phủ đã chỉ đạo sáp nhập 3 loại trường giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề thành một mối. Một số địa phương đã thực hiện việc này, nhưng chưa có quy định nên chưa thể sáp nhập hết tất cả. Hơn nữa, vừa qua việc đầu tư còn dàn trải, sau khi sáp nhập sẽ tập trung đầu tư cho các trường hơn.
Tăng năng suất lao động
Trả lời các đại biểu Quốc hội về việc năng suất lao động của Việt Nam còn kém so với các nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, năng suất của người lao động Việt Nam thấp hơn Singapore 14 lần, Thái Lan 2 lần… Do vậy, tăng cường khoa học công nghệ là khâu quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình 3 chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Đào tạo nông dân
Về việc đào tạo nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ cùng với Bộ LĐTBXH thực hiện chương trình này. Từ cuối 2012 đến nay, đã đào tạo được 4,7 triệu nông dân, trong đó 1,6 triệu người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, vì vừa làm, vừa xây dựng cơ sở, đào tạo giáo viên, đưa vốn về các địa phương, đồng thời nông dân ở các địa phương đăng ký học chưa nhiều.
Bộ trưởng cho rằng cần làm tốt hơn công tác thông tin, tư vấn nghề, gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển của mỗi địa phương, tập trung nghề chuyên theo vùng sản xuất. Ưu tiên đào tạo nông dân nòng cốt, như thủy sản là máy trưởng, thuyền trưởng; các chứng chỉ như: cơ khí, thú y, chủ trang trại, trồng trọt công nghệ cao… |
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chiến lược dạy nghề, xây dựng được chính sách hỗ trợ dạy nghề, quy hoạch các trường chất lượng cao (40 trường), 10 trường đạt chuẩn quốc tế. Chính phủ đã đồng ý đổi mới công tác dạy nghề, mua thiết bị, đào tạo giáo viên để đáp ứng được công tác dạy nghề. Hướng sắp tới là đào tạo nghề chất lượng cao, không chạy theo số lượng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dạy nghề.
Trước câu hỏi 174.000 sinh viên ra trường không có việc làm của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Bộ trưởng cho rằng, hàng năm có tới 800.000 sinh viên ra trường, cần có việc làm, nhưng tình hình kinh tế xã hội chưa đạt như mong muốn. Nếu không có vài trăm nghìn doanh nghiệp giải thể, thì 174.000 lao động này sẽ có việc làm. Tuy nhiên, không phải tất cả 174.000 sinh viên này “ngồi chơi”, họ vẫn về quê hương làm cùng việc gia đình, nhưng Bộ trưởng thừa nhận việc đào tạo chưa được đi làm là lãng phí.
Ngoài ra, việc đào tạo cũng có hạn chế, có 70% người được đào tạo có việc làm, nhưng những kỹ năng chất lượng cao, yêu cầu của các DN nước ngoài vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, giữa đào tạo và thị trường cũng chưa có gắn kết.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để định hướng trong tuyển sinh, từng ngành quy hoạch số lượng lao động, trên cơ sở đó có kế hoạch tổng thể về đào tạo, sát với thị trường.
Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin cho người lao động và chủ lao động, để họ gặp được nhau, đồng thời có chính sách ưu đãi cho những người đi vùng sâu, vùng xa làm việc, ví dụ như về 600 huyện nghèo trong thời gian qua.
Nợ đọng bảo hiểm xã hội lớnVề câu hỏi, số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) lên tới 7.000 tỷ đồng, Bộ trưởng cho biết, ngoài nguyên nhân chính là chủ sử dụng lao động không nghiêm túc, thì còn nhiều DN còn khó khăn trong quá trình hoạt động. Một nguyên nhân khác là mức xử phạt nhẹ, họ thà để nợ còn hơn phải vay ngân hàng, khiến họ ỷ lại. Tổ chức công đoàn ở các địa phương không phản ánh kịp thời các vấn đề này.
Trong vấn đề này, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý. Hiện toàn ngành có hơn 400 thanh tra, ở bộ có 55 người, ở mỗi địa phương có 5 - 7 người, nhưng lại phải bao quát nhiều lĩnh vực như: người có công, chính sách công… trong khi có tới 700.000 DN đang hoạt động. Vì vậy, đã đồng ý giao cho BHXH kiểm tra việc thu bảo hiểm. Bộ sẽ chịu trách nhiệm về thanh tra Nhà nước, địa phương cũng phải cùng phát hiện thì sẽ hiệu quả hơn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, việc tăng lương vừa qua chưa đảm bảo đời sống người lao động, cần có giải pháp căn cơ hơn.
Theo Bộ trưởng hiện nay, tiền lương mới chỉ đảm bảo 60% so với mức sống tối thiểu. Việc nâng lương lần này chưa giải quyết được cơ bản vấn đề tiền lương, nhưng do điều kiện kinh tế và ngân sách hạn chế, chúng ta phải đi từng bước, Trung ương đã thảo luận và cho giãn lộ trình. Năm nay, cũng do khả năng ngân sách, không có nguồn nâng lương, Chính phủ chỉ dành ngân sách 11.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, người có công.
Kết thúc phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, về việc đào tạo nguồn nhân lực, nhiều trường, nhiều lớp, cả nông thôn và đô thị nhưng hiệu quả chưa cao. Đào tạo phải gắn với việc làm, có yếu tố thiếu việc làm nhưng cũng có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, dự báo đào tạo chưa chính xác, nên xảy ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang rất hệ trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tiếp tục rà soát hệ thống đào tạo, sắp xếp lại, rà soát chính sách đào tạo, đổi mới cách dạy… Đồng thời tăng kết nối giữa đào tạo và doanh nghiệp, để có chất lượng đào tạo tốt hơn.
Hữu Vinh