Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 19/4/2019, trên cơ sở xem xét Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46 cho phép thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội; giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026.
Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ở các khu vực đô thị lớn của thành phố Hà Nội tương đối ổn định, nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội, không đồng đều, thiếu đồng bộ, chưa có sự khớp nối giữa các khu vực đô thị, giữa các vùng, các địa phương của thành phố Hà Nội.
Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi cần có một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô. Do đó, việc tiếp tục duy trì HĐND phường không còn phù hợp đối với Thủ đô Hà Nội. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội là nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi trong việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền phường là việc sắp xếp lại để tăng quy mô các đơn vị hành chính, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính.
Nêu ý kiến tại Phiên họp, đa số đại biểu tán thành với chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND tại tất cả đơn vị hành chính phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn khi vẫn giữ tên gọi cơ quan hành chính đối với phường không tổ chức HĐND là UBND sẽ không phân biệt với UBND nơi có tổ chức HĐND, mặc dù vị trí, tính chất, thẩm quyền giữa hai cơ quan hành chính này là khác nhau.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về việc tổ chức hợp lý chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đào Tú Hoa cho rằng, dự thảo cần thông qua kỳ họp của Quốc hội để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện sau này. Theo bà Hoa, không nên thay đổi tên gọi của UBND vì như thế sẽ làm thay đổi dữ liệu trong hệ thống quản lý, thông tin, gây tốn kém và khó khăn cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nếu thay đổi tên gọi, toàn bộ hồ sơ lý lịch dân cư của hàng triệu người sẽ phải đính chính thay đổi, ảnh hưởng đến nhiều dữ liệu cốt lõi của thành phố. “Sau khi tính toán, tên gọi nên để UBND, điều này phù hợp với nguyện vọng người dân khi được lấy ý kiến. Việc đổi mới sẽ thể hiện trong chỉ đạo, điều hành sau này”, ông Nguyễn Đức Chung nói và nhấn mạnh thêm việc Hà Nội tiến hành thí điểm ở tất cả các phường chứ không ở một số phường là nhằm triển đồng bộ thuận tiện trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành.
Một số ý kiến lưu ý, quản lý đô thị khác với nông thôn, đặc biệt đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất và tập trung, xuyên suốt các hoạt động kinh tế - xã hội trong toàn đô thị, không nên chia cắt, giao cho nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý. Do vậy, việc Hà Nội đi đầu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp với khu vực đô thị có vai trò quan trọng. Theo các đại biểu, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý, điều hành chính quyền địa phương khu vực đô thị, thay thế cơ chế UBND phường thảo luận tập thể và quyết định theo đa số bằng giao trực tiếp một số quyền cho Chủ tịch UBND phường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, sau khi thí điểm, những nơi thí điểm không còn HĐND, UBND phường chỉ là một cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp các dịch vụ công theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã. Sự khác biệt này còn được thể hiện tại các nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của UBND phường nơi có tổ chức HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với UBND nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các quy định hướng dẫn của Chính phủ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm.