Doanh nghiệp và nhà quản lý đối thoại về cơ chế chính sách với ngành ô tô

Sáng 26/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116.

Cùng dự buổi làm việc có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra) cùng các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp nước ngoài kêu vướng

Mở đầu Hội nghị, nêu quan điểm rõ ràng của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương thống nhất hội nhập sâu với khu vực và quốc tế, tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu ô tô, xuất khẩu sang Việt Nam, song Việt Nam cần có bước đi của mình, bảo đảm nền sản xuất tự chủ của đất nước với 100 triệu dân.

Quan ngại về những quy định tại Nghị định 116, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink cho biết, quy định mới về nộp giấy chứng nhận an toàn đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp đang đặt doanh nghiệp ô tô nước này trong tình thế rất khó khăn.

Đại sứ Dan Kritenbrink cho rằng, quy định về việc kiểm tra khí thải an toàn đối với từng lô hàng ô tô nhập khẩu rất không rõ ràng. “Chúng tôi muốn các quy định của Chính phủ phải rõ ràng hơn, thống nhất hơn, để những nhà xuất khẩu ô tô biết được các cách thức mà họ nên thực hiện.

Cũng có một số quy định về nghị định này và gây ra sự khác biệt đối với những nhà xuất khẩu ô tô, giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu ô tô trong nước. Chúng tôi mong tạm hoãn Nghị định 116 để có thể xem xét cả Nghị định cũng như làm thế nào để Nghị định này trở nên rõ ràng hơn”, ông Dan Kritenbrink  bày tỏ. 

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita nêu: “Chúng tôi cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của VAMA tới một số quy định hành chính trong Nghị định 116 do Nghị định không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Hậu quả là cho đến nay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay”.

Bốn khó khăn lớn được đại diện VAMA đưa ra, đó là quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu; biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành Nghị định 116 và quy định mới về đường chạy thử ô tô dành cho các nhà sản xuất trong nước.

Ông Toru Kinoshita khẳng định ủng hộ mạnh mẽ định hướng của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành phụ trợ công nghiệp ô tô của Việt Nam trong những năm tới. Song, ông cũng nêu quan điểm, một chính sách tốt phải đảm bảo đồng thời 3 yếu tố: tiếp tục mở rộng thị trường ô tô, cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp, ông Toru Kinoshita phân tích những quy định này đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô và rõ ràng, với một số phân khúc ô tô có dung lượng nhỏ thì hoàn toàn không khả thi để tiến hành sản xuất trong nước. “Nhưng, hiện tại, chúng tôi lại không thể nhập khẩu được những chiếc xe này mặc dù chúng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như kinh doanh ở Việt Nam”, ông Toru Kinoshita nói.

Cũng theo ông Toru Kinoshita, Nghị định làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Nghị định tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước nói không...

Đáp lại ý kiến của các doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trường Hải Trần Bá Dương nhận định Nghị định 116 ra đời để đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng, sữa chữa ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm bốn mục tiêu chính: Bảo đảm điều kiện về môi trường, điều kiện cho người tiêu dùng, an toàn giao thông và bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà nhập khẩu với nhau, giữa doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất trong nước và giữa những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước với nhau.

Thực hiện quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước không có gì khó khăn. Tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu.

Đây là tài liệu để khách hàng biết được xe của họ mua ở công nghệ nào, tính năng ra sao, trong bối cảnh thị trường xe trong nước, hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa kiểm soát được những tai nạn giao thông có ảnh hưởng bởi chất lượng xe hay không mà chủ yếu quy kết cho lái xe là chính, ông Dương phản biện.

Ông cũng khẳng định “giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết, trong điều kiện xe nhập khẩu về chưa có đủ điều kiện để kiểm định”. Không nên bác bỏ giấy này mà cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trường Hải bác quan điểm của Chủ tịch VAMA về tình trạng thiếu hụt xe. “Hiện nay do chiến lược kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc năm 2018, khi nhập lại vướng các quy định dẫn đến thiếu hụt một lượng xe ở thị trường. Cái này chính do các anh gây ra. Tôi là người chịu trách nhiệm, tôi đã quyết liệt để nói và sẽ cố gắng sản xuất nhiều hơn, làm nhiều hơn để bù vào thiếu hụt ở thị trường. Nếu tổ chức làm nhanh, trong tháng 4 có thể nhập khẩu được xe về. Tôi cam kết và tôi cũng sẽ nhập được xe. Trong vài ngày, nếu thống nhất được, tôi sẽ nhập ngay xe BMW, trong vòng 2-3 tuần xe sẽ về tới nơi”, ông Dương cho hay.

Ông cũng bày tỏ không đồng tình với đề nghị tạm hoãn thi hành Nghị định 116 bởi như vậy sẽ phủ nhận nỗ lực của các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định; không công bằng giữa các doanh nghiệp tích cực tuân thủ và các doanh nghiệp ỷ lại rồi đưa ra các lý do để không thực hiện.

Doanh nghiệp lo ngại sự bất định về chính sách

Từ nghiên cứu độc lập, bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thẳng thắn “mặc dù nói là thúc đẩy sản xuất ngành ô tô nhưng rõ ràng ngoài Nghị định 116 còn rất nhiều những vấn đề bất cập khác mà chúng ta thấy rằng chưa thật sự toát lên tinh thần thúc đẩy sản xuất trong nước”.

Theo bà Thủy, rất nhiều doanh nghiệp sợ sự bất định về chính sách tại Việt Nam. “Những chính sách liên quan đến ngành ôtô có cảm giác là 6 tháng đến 1 năm lại thay đổi một lần. Như vậy, nó không tạo ra cho doanh nghiệp tâm lý an toàn, ổn định khi tiến hành chiến lược đầu tư”.

So sánh câu chuyện giấy chứng nhận kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương tự như quy định của một số ngành khác và đã vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp, bà Thủy nhận định “dường như chúng ta quên mất mục tiêu ban đầu là chúng ta cần quản lý điều gì và chỉ chăm chăm vào tranh luận tên của một cái loại giấy”.

Bà Thủy kiến nghị điều chỉnh nội dung tại điều 6 Nghị định 116, không yêu cầu doanh nghiệp nhất định phải nộp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu mà cho phép doanh nghiệp nộp các giấy tờ liên quan tới chứng nhận chất lượng xe có thể hiện các thông số an toàn kỹ thuật và thông số về môi trường.

Giấy tờ này có thể do cơ quan nào đó có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc do chính doanh nghiệp tự công bố nếu như pháp luật của nước sở tại đó có quy định. Để có thể có được những quy định phù hợp, cần phải tham vấn kỹ các doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng ban hành Nghị định 116 là tiến bộ lớn của Chính phủ Việt Nam. Nghị định được ban hành rất công phu, đã được lắng nghe tác động của các đối tượng. Bộ trưởng đề nghị các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, đưa ra lý giải thỏa đáng với các nhà đầu tư sản xuất trong nước, nhà đầu tư nhập khẩu, tránh việc nhà đầu tư hiểu theo hướng tạo ra rào cản nhằm co kéo lợi ích. Các bộ và cơ quan liên quan sẽ sớm họp để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Doanh nghiệp tin tưởng vào sự cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018
Doanh nghiệp tin tưởng vào sự cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào sự cải thiện tích cực của môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm nay và giai đoạn sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN