Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưuQuan tâm đến việc sắp xếp bộ máy, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra thực tế hiện nay Tổng cục Thuế, Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang được tổ chức theo ngành dọc cho đến cấp huyện, rất cồng kềnh, lãng phí. Đại biểu chất vấn về định hướng và giải pháp sắp xếp lại hệ thống này trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tích cực rà soát lại việc này. Nhiều Chi cục Thuế hiện nay thu thuế không đủ nuôi bộ máy nên hướng là sẽ thành lập các chi cục phụ trách khu vực. Tạm thời mỗi huyện vẫn bố trí một tổ giao dịch và khi hạch toán phân tích ngân sách của từng huyện một thì cơ quan ở chi cục đó cũng có thể làm được. Theo kế hoạch, ngay trong năm nay, Bộ Tài chính sắp xếp lại khoảng 20 cơ sở giao dịch của Kho bạc nhà nước ở cấp huyện và khoảng 135 Chi cục Thuế của cơ sở.
“Quá trình này, chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp tục trong thời gian tới, không chỉ đối với Tổng cục Thuế, Kho bạc nhà nước, hải quan hiện nay đã tổ chức theo khu vực, kể cả ngành bảo hiểm xã hội”, Phó Thủ tướng cho biết.
Trăn trở về thực trạng thất nghiệp trong giới trẻ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt vấn đề “tuổi trẻ đang khao khát có được việc làm, tuy nhiên thời gian tới đây có thể chúng ta sẽ xem xét việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này. Liệu việc tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm cơ hội việc làm của giới trẻ hay không. Liệu chính sách này có thực sự thể hiện ý chí của đa số người dân hay không?”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tuổi nghỉ hưu là việc hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người, kể cả những người đang làm việc và những thanh niên sắp rời ghế nhà trường bước vào thị trường lao động. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm, nhưng phải có lộ trình rất chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động.
“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào một tổng thể rất nhiều yếu tố, trước hết phải dựa vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp. Nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu của người hiện tại mà chúng ta không tạo ra được công ăn việc làm mới cho những người bước vào thị trường lao động thì chúng ta không thể nào tăng tuổi nghỉ hưu được. Trước hết phải tập trung vào phát triển sản xuất và tạo ra việc làm mới”, Phó Thủ tướng nói.
Một khía cạnh khác mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập, đó là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu còn liên quan đến cơ cấu ngành nghề, có những ngành rất muốn nghỉ sớm, nhưng có những ngành và nhân lực chuyên môn sâu có thể có điều kiện kéo dài ra. Tiếp đến là vấn đề già hóa dân số, khi tuổi thọ của chúng ta đang tăng lên và 60 năm nay chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó còn có yếu tố liên quan đến bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ còn cách nhau quá xa, 5 tuổi, thế giới không phân biệt hoặc khoảng cách này rất hẹp.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có liên quan đến đảm bảo cân đối dài hạn của Quỹ bảo hiểm xã hội. Nghị quyết Trung ương vừa qua đã quyết định từ năm 2021 sẽ thực hiện việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo một lộ trình rất thận trọng và phù hợp, để vừa đảm bảo mục tiêu của tuổi nghỉ hưu chung, vừa đảm bảo rút ngắn về giới. Đối với những ngành nghề đặc biệt, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 5 năm.
“Sau này khi sửa Bộ luật Lao động thì cụ thể như thế nào, Quốc hội sẽ quyết định. Nhưng phải lưu ý rằng không phải bây giờ chúng ta điều chỉnh từ 2021 tự nhiên tăng tuổi ngay lập tức, ví dụ mỗi năm chỉ tăng mấy tháng, còn lâu chúng ta mới có thể đạt thêm 1 tuổi. Kinh nghiệm như Italia 10 năm tăng 4 tuổi là thị trường lao động đã có vấn đề. Vấn đề này Quốc hội sẽ thảo luận kỹ và sẽ có quyết định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đảo đảm nguồn lực cho thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương“Cho đến nay, Chính phủ đã ba lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Hiện nay, Trung ương đã có Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Cá nhân tôi, tôi thấy dư luận xã hội, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động rất phấn khởi”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bắt đầu với câu chất vấn của mình. Băn khoăn được ông đưa ra, đó là ba lần lỡ hẹn đều vì không có nguồn lực. Liên tiếp ba câu hỏi được đại biểu này chất vấn Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về cải cách chính sách tiền lương “một là khả năng ngân sách nhà nước cân đối để chúng ta cải cách chính sách tiền lương; thứ hai, như vậy có làm tăng thêm trần nợ công không khi chúng ta cải cách tiền lương; thứ ba, xin đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp để chúng ta kìm chế chỉ số giá sinh hoạt khi chúng ta tăng tiền lương?”.
Trả lời ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dư luận rất phấn khởi khi Trung ương đã ban hành nghị quyết về cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua. “Nhưng dư luận có đặt vấn đề bây giờ tăng lương như thế nào, lấy đâu ra mà tăng lương. Việc tăng lương như vậy có ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không?”
Theo Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đề án cũng như Chính phủ đã có tính toán cân nhắc kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị và trung ương thảo luận quyết định. Mặc dù tăng lương không phải toàn bộ nội dung cải cách tiền lương nhưng là vấn đề cốt lõi và nhiều người quan tâm nên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 1 giải pháp tiền đề và 2 giải pháp mang tính đột phá. Giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Thứ hai là biện pháp có tính chất đột phá là phải quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19 của Chính phủ để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Thứ ba là giải pháp tài chính để tiến hành cải cách về tiền lương, trong đó căn cơ nhất vẫn là phát triển sản xuất để tăng thu, quyết liệt triệt để chống thất thu về ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu. Trong phương án vẫn phải tiết kiệm 10% các kinh phí thường xuyên cho đến khi ổn định bộ máy tổ chức, dùng nguồn này để cải cách tiền lương.
Một nguồn nữa là tăng thu của ngân sách địa phương. Trước đây 50% được để lại đầu tư, 50% dùng cải cách tiền lương. “Bây giờ, với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư phát triển thì Trung ương quyết định dành 70% tăng thu của ngân sách địa phương làm cải cách tiền lương này. Trước đây không có chuyện dành vượt thu của ngân sách Trung ương để làm cải cách tiền lương nhưng nghị quyết lần này đã quyết định vượt thu của ngân sách Trung ương dành tối thiếu 40% để cải cách tiền lương. Do đó, các nguồn có thể tính toán cụ thể được nhưng cụ thể thế nào Chính phủ và Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan liên quan sẽ có tính toán cụ thể”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông tin, trong quá trình cân đối, Chính phủ đã dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán các phương án trả lương nhưng vẫn đảm bảo trần nợ công là 65%. Tính đến bội chi ngân sách và chi phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn phải đảm bảo tỷ lệ là 26%, đồng thời vẫn kiểm soát chỉ số lạm phát. Nếu tăng lương nhưng gắn với tăng năng suất lao động và hiệu suất của bộ máy nhà nước thì tác động đến CPI là không lớn.
“Chúng ta thực hiện các biện pháp đồng bộ như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.