Đó là thông tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết khi trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, ngày 14/3.
Chiều 12/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah; tiếp đó, ngày 13/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thoma; ngày 14/3/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự đối với Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11/3. Tại phiên tòa sáng nay, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng trực tiếp tham dự phiên tòa để kịp thời hỗ trợ công dân Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã gặp và thăm hỏi, động viên Đoàn Thị Hương ngay sau khi kết thúc phiên tòa.
Cần phải nói thêm rằng ngay từ khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thường xuyên tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và có mặt tại các phiên tòa, sẵn sàng hỗ trợ Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong cuộc trao đổi các cấp, kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương."
Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền năm 2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, song Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam.
Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Nỗ lực của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Về kinh tế - xã hội, trong năm 2018 tổng thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người/năm tiếp tục tăng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017); 87,7% người dân được hưởng bảo hiểm y tế (tăng 2,31% so với năm 2017); trong năm học 2018-2019 cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên tăng hơn 1 triệu so với năm học trước; gần 70% dân số sử dụng Internet với trung bình 7 tiếng truy cập mỗi ngày/người; hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức. Ngày 25/1/2019, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả Rà soát của Việt Nam. Được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) vào tháng 5/2019.
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.”
Phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực”.