Ngày 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành rà soát tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình chuẩn bị gửi hồ sơ các báo cáo, đề án, dự án trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ không còn nợ đọng văn bản chi tiết xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao việc trước thời điểm khai mạc Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thành và trình Quốc hội toàn bộ các văn kiện, báo cáo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, gần đây tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Hiện còn 8 văn bản (trong đó có 6 nghị định, 2 quyết định), 10 thông tư hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2018 sẽ có 8 luật, 21 nghị định quy định chi tiết cần ban hành. Đây là công việc tương đối lớn mà các bộ cần hoàn thành.
Trong khi đó, việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tiến độ cũng còn chậm. Chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm, tình trạng xin lùi, xin rút vẫn còn. “Có hồ sơ luật chưa đầy đủ theo quy định, các báo cáo còn thiếu nội dung. Thậm chí báo cáo, văn kiện trong hồ sơ không có dấu, không có chữ ký”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ. Việc để xảy ra nợ đọng văn bản sẽ ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo, Chính phủ đã thông qua được 7 dự án theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018. Riêng dự án Luật Công an xã đã rút khỏi chương trình do trong quá trình thẩm tra, Bộ Công an đề nghị xin dừng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền thay đổi chính sách theo hướng xây dựng lực lượng Công an xã chính quy và sẽ đưa vào dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Đến nay, dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Ngoài ra, còn có 3 dự luật khác đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 5 bao gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về xây dựng (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật có liên quan đến quy hoạch (gồm: Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng và Luật Đầu tư). Tuy nhiên, chỉ có dự án Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về xây dựng được trình Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tách phần sửa liên quan đến quy hoạch trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để ghép vào Luật sửa đổi 10 luật thành Luật sửa đổi, sổ sung 13 luật có liên quan đến quy hoạch. Các nội dung khác của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung sau.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý, cần rà soát lại toàn bộ nội dung thực hiện cho xây dựng thể chế, những văn bản nợ đọng, văn bản tiếp tục ban hành có hiệu lực của Luật; phấn đấu đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Chính phủ sẽ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Trong quá trình thực hiện, mỗi cơ quan cần rút ngắn thời gian; Bộ Tư pháp rút ngắn thời gian thẩm định và ra kết quả thẩm định sớm.