Dấu ấn 25 năm của Việt Nam trong 'ngôi nhà chung' ASEAN

Cách đây đúng 25 năm, ngày 28/7/1995, Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, sáng 26/6/2020, tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Năm 2020 cũng đúng dịp Việt Nam lần thứ ba đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN. Nhìn lại chặng đường 25 năm qua của Việt Nam, lãnh đạo các nước, giới chuyên gia, học giả và báo chí quốc tế đều đáng giá tích cực tinh thần thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ của Việt Nam vào thành tựu chung của ASEAN.     

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng. Như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith, về mặt chính trị, việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN năm 1995 đã mở đường cho các nước khác như Lào, Myanmar và Campuchia gia nhập hiệp hội, đưa ASEAN từ một hiệp hội các nước có hệ thống chính trị giống nhau trước đây, trở thành hiệp hội các nước hợp tác, không phân biệt sự khác biệt trong hệ thống chính trị. Với sự kiện Việt Nam gia nhập năm 1995, ASEAN đã phát triển từ 5 nước thành viên ban đầu trở thành một cộng đồng với 10 nước thành viên như hiện nay. 

Cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong (người Singapore) cho rằng với vị trí và vai trò của mình, Việt Nam đã thực sự trở thành "cầu nối" gắn kết vùng phía Bắc với phía Nam của khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, xét về mặt địa lý và nhân khẩu học, đóng góp chính của Việt Nam khi trở thành thành viên ASEAN là đã kết hợp mọi vùng của Đông Nam Á thành một khối thống nhất, từ đó phát huy một nguyên tắc mà Việt Nam luôn theo đuổi, là bình đẳng và công bằng. Điều này mang ý nghĩa quan trọng nhất, thể hiện ASEAN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng hợp tác, kiên định theo nguyên tắc hợp tác đa phương, giúp cho mối quan hệ hợp tác đa phương này đem lại lợi ích thực tế cho các nước trong khu vực.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 có những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam, trong đó có các sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN

Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN. Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các nước. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) đánh giá Việt Nam đã sử dụng kinh nghiệm ngoại giao của mình để thúc đẩy quan hệ ASEAN với các cường quốc. 

Thông qua hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN”..., Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò điều phối các cơ chế với các đối tác bên ngoài như bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này. 

Đặc biệt, vai trò và trách nhiệm của Việt Nam được thể hiện rõ qua những lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với những đóng góp và sáng kiến cụ thể. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, góp phần khắc phục khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên. Năm 2010, lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện”. Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, nói cách khác, Việt Nam đã thúc đẩy việc hoàn thành các hoạt động thiết thực sau khi ASEAN thông qua các tuyên bố và kế hoạch hành động.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương website ASEAN 2020, chiều 6/1/2020, tại Hà Nội, trong Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Giới chuyên gia nhận định trong 25 năm qua, Việt Nam đóng góp to lớn vào sự năng động và hấp dẫn về kinh tế của ASEAN, cũng như góp phần quan trọng vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực. Về kinh tế, Giáo sư  người Malaysia - Yeah Kim Leng, chuyên gia kinh tế tại Đại học Sunway kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Jeffrey Cheah, Malaysia nêu rõ: “Quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020 đã đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì mức tăng trưởng 5% hằng năm của khu vực trong vài thập niên qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc duy trì sức hấp dẫn của ASEAN như một trung tâm sản xuất và thị trường duy nhất cho các nhà đầu tư toàn cầu”. Ông Yeah Kim Leng cho rằng Việt Nam cũng đã thể hiện được khả năng điều hành giúp khu vực gắn kết và duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh hơn sau khi 10 nước thành viên thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Về an ninh và hòa bình, phải kể tới những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Theo cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong, Việt Nam luôn đưa ra những đề xuất tích cực và mang tính xây dựng, bởi "những gì Việt Nam làm là nhằm duy trì nguyên tắc của chúng ta, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng hòa bình và ổn định". 

Năm 2020, đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên, như Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định "Việt Nam đã làm được nhiều việc và thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch". Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, đặc biệt là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về đại dịch COVID-19, nhất trí thúc đẩy tiến độ triển khai 4 sáng kiến gồm Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quy chuẩn ứng phó với những tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Kế hoạch phục hồi hậu COVID-19. 

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cuối tháng 6 vừa qua, với việc thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó các nước ASEAN cam kết đẩy lùi thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, liên kết ASEAN, trang rsis.edu.sg nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực củng cố sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN, thúc đẩy và phát triển năng lực tự lực, tự cường của khối trong việc đối phó với khủng hoảng và thách thức chung.

Tiến sỹ Frederick Kliem, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa đa phương, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam khẳng định với những đóng góp to lớn như vậy, “Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong ASEAN". Trong bối cảnh năm nay, ASEAN sẽ phải thực thi nhiệm vụ kép, một mặt là vừa phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, vừa phải triển khai được những gì ASEAN đã đặt ra trong năm để xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác của ASEAN với các nước, giới chuyên gia tin rằng vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN sẽ giúp khối vượt qua khó khăn, đảm bảo hòa bình và ổn định, trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư thời kỳ hậu COVID-19

Tổng Thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh thành công kinh tế, sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo có tầm nhìn, cùng “năng lượng mạnh mẽ” của người dân Việt Nam là những “tài sản” cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Một phần tư thế kỷ là thành viên "mái nhà chung" ASEAN, Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò của một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong một Cộng đồng ASEAN tự lực phát triển, đoàn kết và đóng vai trò trung tâm.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Chuyên gia Singapore: Việt Nam luôn là nhân tố trung tâm của ASEAN
Chuyên gia Singapore: Việt Nam luôn là nhân tố trung tâm của ASEAN

Với sự phát triển vượt bậc cùng các chính sách đổi mới, mở cửa với thế giới bên ngoài, Việt Nam luôn là một nhân tố trung tâm của ASEAN kể từ khi gia nhập hiệp hội vào năm 1995.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN