Nhật Bản là nước có tới 22 năm đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ qua nhiều nhiệm kỳ kể từ năm 1958 và vừa kết thúc nhiệm kỳ mới nhất của mình tại HĐBA vào cuối năm 2017. Tính đến nay, Nhật Bản là nước được bầu nhiều lần nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Trưởng phái đoàn đại diện Nhật Bản tại LHQ, Koro Bessho cho biết thách thức đối với một Ủy viên không thường trực HĐBA mỗi nhiệm kỳ mỗi khác và có những vấn đề mới. Nhưng Nhật Bản đều phải qua quá trình chuẩn bị để nắm bắt các vấn đề xảy ra trên thực địa ở từng thời điểm khác nhau và một thách thức chung qua các nhiệm kỳ là làm sao để có thể làm việc, phối hợp được với các ủy viên khác, cả thường trực và không thường trực, nhằm đạt hiệu quả mong muốn.
Một vấn đề mà Nhật Bản luôn nỗ lực cải thiện là cách thức làm việc tại HĐBA, làm sao để hiệu quả hơn, và đây là điều mà Nhật Bản cố gắng thúc đẩy qua mỗi nhiệm kỳ. Hiện tại HĐBA đang đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Một trong số đó là các nước Ủy viên thường trực khó đồng thuận với nhau về nhiều vấn đề. Tất nhiên cũng có một số lĩnh vực HĐBA đã gặt hái được kết quả tốt nhưng nhìn chung điều quan trọng là phải làm sao để HĐBA tiếp tục hoạt động hiệu quả và ông Koro Bessho hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp vai trò của mình vào vấn đề này sau khi trúng cử vào HĐBA.
Khi được hỏi về khó khăn trong việc đáp ứng các mong đợi rằng nước Ủy viên không thường trực HĐBA có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho tất cả các nước đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu cho mình, ông Koro Bessho cho rằng một nước có thể trúng cử vào HĐBA nếu có được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ của các nước thành viên LHQ. Vì vậy, nước Ủy viên không thường trực phải chịu trách nhiệm với các nước đã bỏ phiếu, nhưng đồng thời việc ứng cử, bầu cử cũng được lựa chọn theo khu vực, mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều thuộc nhóm châu Á- Thái Bình Dương cho nên ít nhất phải có trách nhiệm trao đổi thông tin với nhóm nước châu Á- Thái Bình Dương đã đề cử và bỏ phiếu cho mình, để các nước trong khu vực biết HĐBA đang bàn thảo vấn đề gì hay đang đối mặt với thách thức gì, từ đó vận động sự ủng hộ của các nước khác không phải là thành viên của HĐBA cho những vấn đề quan trọng. Theo ông Koro Bessho, đó là trách nhiệm rất quan trọng mà nước được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA cần phải đảm bảo.
Trưởng phái đoàn đại diện Nhật Bản tại LHQ tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ trúng cử vào HĐBA. Ông cũng khẳng định Việt Nam là một người bạn gần gũi và rất quan trọng đối với Nhật Bản và hai quốc gia còn là đối tác chiến lược. Vì vậy, hai bên đều muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhau, đặc biệt trong các vấn đề quốc tế. Khi kết thúc nhiệm kỳ tại HĐBA, Nhật Bản trông đợi Việt Nam sẽ giúp chuyển tải được quan điểm của khu vực châu Á tới các chương trình nghị sự của Hội đồng. Ông Bessho nhận định Việt Nam cũng có bề dày lịch sử rất quan trọng khi đã phải trải qua chiến tranh, đã xây dựng hòa bình, và phát triển kinh tế ngoạn mục. Những kinh nghiệm đó tạo cho Việt Nam có vị thế tại HĐBA, giúp Việt Nam có thể tư vấn và đóng góp rất tốt cho nhiều vấn đề tại đó. Tôi thực sự hy vọng các bạn có thể làm được như vậy.
Về cơ hội Việt Nam có thể đưa những vấn đề gây tranh cãi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên bàn nghị sự của Hội đồng khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA, ông Bessho cho rằng mỗi thành viên HĐBA đều có quyền đề xuất vấn đề mình muốn đưa ra thảo luận tại Hội đồng. Tuy nhiên cũng có những quy định tất cả phải tuân thủ. Nếu muốn đưa 1 vấn đề ra bàn tại HĐBA, Việt Nam cần trao đổi với từng nước thành viên và đảm bảo có được ít nhất 9 phiếu ủng hộ. Việc đưa vấn đề nào ra hoàn toàn tùy thuộc quyết định của Việt Nam.