Chuyên gia, lao động xuất khẩu mỗi năm gửi về nước khoảng 10 tỷ USD

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng kết 10 năm công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hiện thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm. Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD…

Chú thích ảnh
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, 10 năm qua, hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta.

Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng; chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao; công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh duy trì các thị trường hiện có, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển; công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam di cư tự do sang làm ăn, buôn bán tại các nước láng giềng được Chính phủ và các địa phương tích cực triển khai thực hiện.

Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị. Hằng năm, số ngoại tệ mà người lao động và chuyên gia gửi về nước không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước.

Đồng thời, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế như chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động tuy đã được tăng lên nhưng chưa cao và đồng đều. Tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều…

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, cần quán riệt rõ những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước. Đó là, đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại. Gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Về chủ trương, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu. Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công việc này, coi đây là xu hướng tất yếu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia.

Cùng với đó, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước; chú ý đến cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; quan tâm đến việc làm cho lao động ngoài nước về; xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững…

XM/Báo Tin tức
BHXH Việt Nam đôn đốc thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT
BHXH Việt Nam đôn đốc thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT)… đã được BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN